Nhận định chứng khoán 4/2: Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng nhẹ

Nhận định chứng khoán 4/2: Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng nhẹ
5 giờ trướcBài gốc
VN-Index đang chịu áp lực kiểm tra lại giá trung bình 20 phiên
Thị trường bắt đầu tháng 2/2025 sau kỳ nghĩ lễ Tết Nguyên đán. Dưới áp lực kém tích cực từ thị trường tài chính thế giới khi Mỹ bắt đầu áp thuế lên Trung Quốc, Canada, Mexico là 03 nước có thặng dự thương mại lớn đối với Mỹ..., VN-Index đã giảm điểm ngay từ đầu phiên về vùng giá 1.250 điểm với áp lực điều chỉnh mạnh của nhóm công nghệ - viễn thông, ngân hàng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường phân hóa hơn ở vùng giá 1.250 điểm với nhiều mã phục hồi tương đối tích cực. Kết phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,95%) về mức 1.253,03 điểm. Trong khi VN30 giảm mạnh 22,13 điểm (-1,65%) về mức 1.315,46 điểm, chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá trung bình 200 phiên, quanh 1.305 điểm.
Độ rộng thị trường trên HOSE nghiêng về tiêu cực với 168 cổ phiếu giảm giá, tập trung nhiều ở nhóm công nghệ - viễn thông, tài chính, ngân hàng; 158 cổ phiếu tăng giá, nổi bật ở các cổ phiếu thép, xây dựng, vận tải, khu công nghiệp và 38 cổ phiếu giữ giá tham chiếu. Thanh khoản tăng với khối lượng giao dịch trên VN-INDEX tăng nhẹ 2,0% so với phiên trước, gần với mức trung bình sau giai đoạn thanh khoản thấp. Cho thấy có sự luân chuyển dòng tiền ngắn hạn giữa các nhóm ngành trong thị trường. Khối ngoại tiếp tục gia tăng bán ròng trên HOSE với giá trị -1.461,5 tỷ đồng trong phiên 3/2.
Kết phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,95%) về mức 1.253,03 điểm
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực kiểm tra lại giá trung bình 20 phiên, cũng như mốc hỗ trợ tâm lý quanh 1.250 điểm. Tuy nhiên, xu hướng VN-Index chỉ tích cực trở lại khi vượt lên kháng cự mạnh, tâm lý giá trung bình 200 phiên, tương ứng vùng giá 1.260 điểm. Xu hướng trung hạn, VN-Index tiếp tục tích lũy kéo dài trong biên độ 1.200 điểm - 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.
Trong ngắn hạn, thị trường chịu nhiều áp lực từ thị trường thế giới khi nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông đang chịu áp lực điều chỉnh, bán mạnh với thanh khoản gia tăng khá đột biến sau thời gian tăng giá mạnh. Những mã, nhóm mã có mức tăng giá tốt, vượt trội so với thị trường trong năm 2024 cũng đang chịu áp lực điều chỉnh.
“Nhà đầu tư nên đánh giá, cân bằng, cơ cấu lại danh mục cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thị trường vẫn phân hóa tương đối tốt, nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn, có thể xem xét tích lũy. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng nhẹ
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), phiên giao dịch đầu năm ghi nhận diễn biến điều chỉnh khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 12,02 điểm, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô đang có diễn biến tiêu cực sau sự kiện Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico, và mức thuế 10% đối với Trung Quốc, chính thức đánh dấu sự bắt đầu của các chính sách thuế quan mạnh tay nhằm “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh của chỉ số DXY khi đồng bạc xanh đã có lúc chạm 109.8 điểm, kéo theo áp lực tỷ giá trong nước khiến tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại trong nước tăng lên mức 25.500 VND/USD vào ngày 3/2. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động rung lắc trong thời gian tới đồng pha với các thị trường chứng khoán trên thế giới đặc biệt là thị trường Mỹ.
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng với mức tăng nhẹ (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện hỗ trợ như triển vọng nâng hạng thị trường và tiềm năng tăng trưởng tốt của nội tại nền kinh tế, đồng thời việc DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.
“Nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng với mức tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường có thể sớm quay trở lại biến động hẹp trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại và cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để mua mới”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
► Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/2
Diệp Diệp/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/nhan-dinh-chung-khoan-42-thi-truong-co-the-se-quay-tro-lai-da-tang-nhe-post1152380.vov