Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau Tết Nguyên đán?

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau Tết Nguyên đán?
4 giờ trướcBài gốc
Ngày mai 3/2, thị trường chứng khoán sẽ bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025. Diễn biến thị trường chứng khoán dù còn nhiều khó khăn, dòng tiền vào thị trường thấp cùng với khối ngoại liên tiếp bán ròng, nhưng dữ liệu giao dịch cũng cho thấy, tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư được duy trì trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán.
*Chứng khoán thường tích cực sau Tết
Thống kê diễn biến tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán giai đoạn 5 năm gần nhất từ 2020 - 2024 cho thấy kết quả thiên về sự tích cực khi có đến 3 năm tăng điểm trên cả VN-Index và HNX-Index (2021, 2022 và 2024); trong đó, tăng mạnh nhất là năm 2021. Đây cũng là mở đầu thuận lợi để thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá và thiết lập các mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử vượt 1.500 điểm (đạt 1.500,81 điểm) vào ngày 25/11.
Tương tự, giới phân tích kỳ vọng, thị trường sắp tới sẽ có nhịp phục hồi lên mốc 1.300 điểm. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc, sau Tết thị trường có thể diễn biến tích cực hơn. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước đến nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số VN-Index đã lên trên mốc 1.260 điểm. Vì thế, sau đợt nghỉ Tết, có khả năng chỉ số VN-Index sẽ diễn biến tích cực, kiểm tra vùng 1.280-1.300 điểm. Còn về trung và dài hạn, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.400-1.450 điểm. Thanh khoản sẽ có xu hướng cải thiện rõ nét hơn so với tháng 1/2025.
Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Ông Ngọc cho rằng, định giá thị trường hiện đang ở mức thấp, khá hấp dẫn để đầu tư trung, dài hạn; mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2025 đã ngã ngũ, cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khả quan. Những yếu tố trên mở ra cơ hội cải thiện rõ nét cho thị trường trong năm 2025.
Về ngắn hạn, việc ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ được cho là không tạo ra quá nhiều rủi ro về chính sách đối với các nước như Việt Nam, chỉ số USD giảm mạnh, tỷ giá VND/USD hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng gần đây cũng hạ nhiệt. Đây là những yếu tố ngắn hạn có thể kích hoạt tâm lý nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường. Sau Tết Nguyên đán, thị trường bước vào chu kỳ mới của năm mới nên dòng tiền sẽ trở lại, nhất là với dòng tiền nội.
Đối với dòng tiền ngoại, năm 2024 nhà đầu tư ngoại bán ròng rất lớn nên dư địa bán ròng trong năm 2025 sẽ không còn nhiều. Bên cạnh đó, năm nay, VND mất giá sẽ không lớn. Vì thế khối ngoại có thể bán giảm ròng. Ngoài ra, còn có câu chuyện để hút vốn ngoại như nâng hạng thị trường. Việt Nam gần như đã hoàn thành hầu hết điều kiện của Tổ chức FTSE (nhà cung cấp của Anh về các chỉ số tài chính) và tổ chức này có thể nâng hạng thị trường trong năm nay. Sắp tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP-thực hiện hai chức năng chính với tư cách là trung gian trong một giao dịch: Thanh toán bù trừ và quyết toán), đáp ứng thêm các điều kiện nâng hạng thị trường của Tổ chức MSCI (nhà cung cấp hàng đầu của Mỹ về chỉ số chứng khoán) và kỳ vọng năm 2026 thị trường được tổ chức này nâng hạng. Đây là những yếu tố quan trọng để hút dòng vốn ngoại.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACBS, cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 gồm nâng hạng thị trường. Năm 2025 là năm bản lề của thị trường chứng khoán Việt Nam với sự kiện được nâng hạng lên thị trường mới nổi của Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE. Sự kiện này được đánh giá sẽ mang lại cho VN-Index dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động), các quỹ chủ động, cũng như khả năng nâng nền định giá lên mức cao hơn, từ đó hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
ACBS nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung bước vào năm 2025 với vị thế không có nhiều thuận lợi từ môi trường vĩ mô thế giới ngày càng trở nên kém ổn định. Rủi ro lớn nhất đến từ vấn đề tỷ giá vầ khả năng suy giảm xuất khẩu. Để dự báo vào đối phó với một bối cảnh kém chắc chắng là điều không dễ dàng đối với các nhà điều hành chính sách.
ACBS chco rằng, việt Việt Nam phát huy nội lực sẽ trở thành bước đi chiến lược để duy trì tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới. Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và bất lợi từ ngoại cảnh. Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm cao độ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ các động lực trong nước; trong đó, quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công trên nền tảng tinh giản bộ máy hành chính và kiện toàn văn bản pháp luật là bước đi chiến lược. ACBS dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam có thể đạt từ 7 - 7,5%.
Chứng khoán BMSC tin rằng năm 2025, VNIndex có thể đạt kịch bản tích cực với chỉ số giao dịch quanh mốc 1.380 điểm, tăng 117,95 điểm so với ngày giao dịch cuối cùng năm 2024.
Sự lạc quan của BMSC được dựa trên các yếu tố: Những chuyển biến tích cực bao gồm tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, sự phục hồi của thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh khởi sắc.
Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và dòng tiền sẵn sàng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tăng trưởng ổn định. Do đó, BMSC cho rằng nếu niềm tin vào thị trường được củng cố, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào chứng khoán, tạo động lực lớn cho sự phát triển bền vững.
Năm 2025, tâm lý nhà đầu tư có thể được cải thiện hơn nhờ tăng trưởng GDP dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao; khối ngoại có thể trở lại mua ròng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và lạm phát Mỹ đã được kiểm soát; hệ thống giao dịch mới KRX được đưa vào vận hành; thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp... Những triển vọng đầy hứa hẹn trên sẽ phần nào khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy chỉ số P/E (Chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) “neo” ở mức cao hơn.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, VN-Index vượt 1.260 điểm trước nghỉ Tết giúp chỉ số phá vỡ kênh đi ngang và đang hình thành xu hướng tăng điểm trở lại. Nếu trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài 5 phiên không chịu áp lực bất lợi lớn từ thị trường thế giới, kỳ vọng VN-Index sẽ hướng đến mốc 1.280 điểm trong ngắn hạn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), tuần giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn khép lại mang đến cho nhà đầu tư nhiều cung bậc cảm xúc cũng như mở ra nhiều kỳ vọng vào một năm bứt phá.
Chỉ số VN-Index có tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp, trở lại ngưỡng 1.265 điểm. Thị trường khởi đầu tương đối thận trọng trong 3 phiên đầu tuần. Áp lực chốt lời gia tăng cùng sự suy yếu của thanh khoản kéo thị trường về sát ngưỡng 1.240 điểm. Cũng từ đáy sự chán nản, thị trường bất ngờ vụt tăng hơn 20 điểm trong những phiên giao dịch cuối cùng trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư.
Nhóm vốn hóa lớn giao dịch khởi sắc đóng góp chính vào đà tăng của chỉ số và lan tỏa đến từng ngóc ngách thị trường. Đóng cửa tuần giao dịch cuối năm Giáp Thìn, chỉ số VN-Index ở mức 1.265,05 điểm, tăng 15,94 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường có sự khởi sắc tiệm cận 82% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 472 triệu cổ phiếu (tăng 9,98% so với tuần trước đó), tương đương 11,773 tỷ đồng (tăng 7,87%) về giá trị giao dịch.
Thị trường phục hồi ấn tượng trong tuần qua với 11/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như: Cảng biển (tăng 4,67%), bán lẻ (4,59%), công nghệ viễn thông (tăng 3,77%)... Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng (giảm 4,16%), điện (giảm 1,24%), bảo hiểm (giảm 0,83%)...
Khối ngoại có tuần mua ròng đầu tiên trong năm 2025, mở ra nhiều những hy vọng mới. Tổng kết cả tuần giao dịch, khối ngoại mua ròng 120 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm mua ròng của nhóm nhà đầu tư ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: LPB (374 tỷ đồng), HDB (227 tỷ đồng), SSI (101 tỷ đồng)...
“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ sớm chinh phục mốc kháng cự mạnh 1.300 điểm trong năm mới Ất Tỵ 2025”, CSI nhận định.
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán, các thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn giao dịch sôi động
*Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều
Ngày 31/1, cổ phiếu Mỹ đã đảo chiều, giảm điểm sau khi Nhà Trắng tái khẳng định kế hoạch áp dụng thuế quan mới đối với hàng hóa xuất xứ từ Mexico, Canada và Trung Quốc từ ngày 1/2.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên giao dịch với 44.544,66 điểm (giảm 0,8%), trong khi S&P 500 giảm 0,5% xuống còn 6.040,53 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống còn 19.627,44 điểm.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán tăng nhẹ trong phiên 31/1, kết thúc một tuần đầy biến động sau khi DeepSeek của Trung Quốc ra mắt chatbot đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,2% lên 39.572,49 điểm khi đóng cửa. Các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Mumbai và Jakarta cũng ghi nhận mức tăng, trong khi Manila và Bangkok giảm điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu vừa trải qua tháng 1/2025 tăng trưởng vượt trội hơn so với các thị trường chứng khoán toàn cầu lớn khác.
Chỉ số Stoxx Europe 600 hôm 31/1 đã chạm mốc cao kỷ lục, sau khi tăng 6,3% trong tháng 1/2025, ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất từ tháng 11/2023. Cùng kỳ, chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng khoảng 3,9% và chỉ số Topix của Nhật Bản tăng 0,1%.
Cũng trong ngày 31/1, chỉ số FTSE 100 của sàn giao dịch London xác nhận đạt mức cao kỷ lục và đánh dấu mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022, khi thị trường chứng khoán Anh phục hồi sau sự thất bại từ kế hoạch “ngân sách nhỏ” của cựu Thủ tướng Liz Truss.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-se-dien-bien-ra-sao-sau-te-t-nguyen-da-n/361783.html