Nhân giống lan rừng bản địa quý hiếm

Nhân giống lan rừng bản địa quý hiếm
6 giờ trướcBài gốc
Một cây lan giống mới đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Các nhà khoa học đã chọn các loài lan: Giã hạc Di Linh, Long tu, Trầm và Nù Tam Bố ở Lâm Đồng sau đó lai tạo bằng phương pháp in vitro cho thụ phấn chéo tạo giống lan mới độc đáo.
Lai tạo các giống lan bản địa với nhau
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng đã triển khai dự án nhân giống một số loài lan rừng bản địa giá trị cao tại huyện Lâm Hà nhằm bảo tồn nguồn gen đặc hữu và cung cấp nguồn giống lan bản địa có chất lượng cao cho thị trường.
Theo bà Trần Thị Hệ, trưởng nhóm nghiên cứu, những năm gần đây, mô hình trồng các giống lan bản địa được nhân giống bằng cách gieo hạt trong điều kiện in vitro đã được bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng áp dụng nhiều và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Các giống lan được bà con nuôi trồng chủ yếu là giống bản địa được lai tạo với nhau, cho hoa đẹp và tạo ra ưu thế lai ở thế hệ F1, cây sinh trưởng khỏe, dễ chăm sóc.
Tuy nhiên, trong quá trình trồng và chăm sóc, bà con gặp phải những khó khăn như chất lượng cây giống in vitro không đồng đều, giá thành cao; cây in vitro có tỉ lệ chết cao khi đưa ra vườn ươm, vì vậy chưa tối ưu được hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng đã triển khai dự án “Nhân giống một số loài lan rừng bản địa giá trị cao tại huyện Lâm Hà” nhằm bảo tồn nguồn gen đặc hữu của tỉnh và cung cấp nguồn giống lan bản địa có chất lượng cao cho thị trường.
Dự án đã khảo sát, thu thập những giống lan rừng cho hoa đẹp, nở bông vào mùa Xuân, sinh trưởng tốt - gồm Giã hạc Di Linh, Long tu, Trầm, và Nù Tam Bố - từ các vườn trong tỉnh, rồi sau đó tiến hành lai tạo bằng phương pháp in vitro giữa Giã hạc Di Linh lần lượt với ba giống còn lại bằng cách cho thụ phấn chéo.
Để chọn nguồn giống ban đầu chất lượng, những người thực hiện đề tài phải thu thập quả lan Giã hạc Di Linh tại các vườn trồng lan với nhiều tiêu chuẩn kỹ càng. Mẫu cây lan sau khi làm sạch được khử trùng sẽ được tiến hành nhân giống in vitro theo quy trình trong thời gian khoảng 3 tháng là cây con có thể xuất vườn với kích cỡ cao 5 - 7cm, có 4 - 5 lá.
Sau bảy tháng kể từ khi ra hoa, nhóm tác giả của dự án thu hoạch được quả của ba giống lai. Nhóm đem khử trùng hạt, rồi tách hạt gieo trong môi trường nuôi cấy in vitro cho đến khi hạt nảy mầm, mọc rễ, ra chồi và phát triển thành cây con.
Cây được nuôi trong môi trường in vitro đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng theo chu kỳ nhất định. Cả ba giống được nhân in vitro đều có chiều cao 7,5 - 7,9cm, có hơn 7 lá, hơn 4 rễ dài trên 3cm, đủ tiêu chuẩn để đưa ra vườn ươm. Tám tuần sau khi ra vườn ươm, tỷ lệ sống của cả ba giống đạt 100%, chất lượng cây con tốt.
Giống lan mới đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ba mô hình trồng lan in vitro được dự án triển khai tại Lâm Hà cho thấy, các giống lan rừng sinh trưởng, phát triển tốt, người dân nắm được quy trình chăm sóc lan nuôi cấy mô ngoài vườn ươm. Cây giống hoa lan in vitro cao từ 10 - 13cm được chuyển cho các hộ chăm sóc. Sau hai tháng, cây sinh trưởng khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, tăng 3 - 4cm.
Nhóm thực hiện ước tính một ha có thể trồng 30 - 40 nghìn chậu lan, với giá bán trung bình hơn 25.000 đồng/chậu chưa ra hoa, 60 - 300 nghìn/chậu có hoa, người trồng có thể thu lãi 200 - 400 triệu đồng/ha.
Sau khi nghiệm thu đề tài, Trung tâm tiếp tục nhân giống khoảng 3.000 cây để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh với mức giá xuất bán chỉ khoảng 25.000 đồng/cây con.
“Phương pháp nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm giúp cho việc nhân giống đạt số lượng lớn hơn nhiều lần so với nhân giống tự nhiên. Do vậy, mức giá mà Trung tâm đang bán ra thị trường như hiện nay là bình thường”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo ông Hồ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, chất lượng của cây giống in vitro đảm bảo tính đồng đều cao và vượt trội hơn so với phương pháp truyền thống. Do cây mẹ đầu dòng đã được lựa chọn kỹ càng sẽ giúp cây con bảo tồn được những đặc tính tốt nhất.
Trước đây, rừng Tây Nguyên có những quần thể lan rừng rất lớn, làm phong phú hệ động, thực vật của những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn. Tuy nhiên, thú chơi lan rừng đã tàn phá nghiêm trọng những quần thể lan quý. Thậm chí, nhiều loài lan quý đã biến mất tới mức rất khó tìm thấy trong tự nhiên. Nghiên cứu này góp phần hạn chế tình trạng nhiều giống lan rừng quý bị săn lùng.
Nhật Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nhan-giong-lan-rung-ban-dia-quy-hiem-post732059.html