Ông Nguyễn Hoàng Nam với sản phẩm cua biển nuôi xen canh dưới tán rừng.
Với vùng nguyên liệu đa dạng và được phân bố theo 03 tiểu vùng sản xuất mặn, lợ và ngọt. Trong lĩnh vực thủy sản, có 02 đối tượng là cua biển tại các huyện vùng ven biển như Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải (nhãn hiệu chứng nhận Cua Trà Vinh), hàng năm với diện tích nuôi cua xen tôm khoảng 16.000ha/năm, năng suất đạt bình quân từ 0,3 - 0,4 tấn/ha/vụ nuôi và tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh) nuôi theo hướng hữu cơ tại 02 xã Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành (Nhãn hiệu chứng nhận Tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh), diện tích khoảng 600ha được nuôi kết hợp sản xuất lúa (01 vụ/năm), năng suất tôm càng xanh đạt từ 0,6 - 01 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng nuôi quảng canh trong ruộng lúa từ 01 - 1,2 tấn/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: gia đình có hơn 01ha rừng kết hợp thả nuôi cua biển; với việc chứng nhận nhãn hiệu “Cua Trà Vinh” sẽ có tác động rất lớn cho nông dân trong việc khẳng định con cua biển được nuôi ở các huyện ven biển Trà Vinh để xác định khác với con cua biển ở các nơi khác. Khi người tiêu dùng chọn sản phẩm thủy sản (cua biển, hay tôm hữu cơ…) có nhãn hiệu rõ ràng về vùng canh tác, sẽ giúp phân biệt sản phẩm cùng một chủng loại như cua biển hay tôm sú, tôm càng xanh… để đánh giá về chất lượng sản phẩm trong quá trình chọn mua.
Đối với người nuôi thủy sản cũng minh bạch được nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm khi sử dụng nhãn hiệu “Cua Trà Vinh” đưa ra thị trường và góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tránh trường hợp sản phẩm lẫn lộn ở các địa phương khác.
Ông Huỳnh Văn Run (bên trái), ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, huyện Châu Thành bên mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh mang lại thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài sản phẩm thủy sản, Trà Vinh còn có 03 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu như “Thanh long Trà Vinh” (quả thanh long tươi) được trồng trên địa bàn các huyện: Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh; “Bưởi da xanh Trà Vinh” (bưởi da xanh quả tươi) được trồng trên địa bàn các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú và thành phố Trà Vinh; “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” sản xuất trên địa bàn huyện Châu Thành. Đây là các sản phẩm chủ lực của nông dân trong tỉnh và thường chịu tác động của thị trường “được mùa mất giá” như vừa qua trên trái thanh long, bưởi da xanh…
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: Trà Vinh có đa dạng các mặt hàng nông sản, thủy sản, hiện tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đạt 12,46% tổng diện tích sản xuất, trong đó sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 31.809ha. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 10.279ha; xây dựng và duy trì hơn 70 nhãn hiệu nông sản; xác nhận 17 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… đây là những điều kiện để khẳng định chất lượng, nguồn gốc sản phẩm để phục vụ cung ứng cho thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: đối với đơn vị là 01 trong những thành tố được hưởng lợi từ nhãn hiệu “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh”, bên cạnh giúp hợp tác xã tiếp cận và quảng bá được sản phẩm gạo hữu cơ từ thương hiệu chung.
Song song đó, hợp tác xã cũng có sản phẩm gạo hữu cơ riêng với nhãn hiệu “Hạt ngọc Châu Long” cũng được canh tác tại vùng đất cù lao Long Hòa - Hòa Minh, khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm “Hạt ngọc Châu Long” sẽ tin tưởng hơn khi sản phẩm này được sản xuất nằm trong vùng canh tác “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh” và thương hiệu gạo hữu cơ sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm hơn khi đứng riêng lẻ.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ