Một trong những khó khăn ấy chính là nguồn nhân lực - một yếu tố góp phần tăng năng suất lao động. Hiện chúng ta không thiếu nhân lực, nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao.
Trên diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) từng dẫn một báo cáo cho biết, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 69%, có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt trên 28%. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ khoảng 36%.
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn ra cho thấy những năm gần đây, cả nước mới có hơn 200.000 doanh nghiệp có yêu cầu thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động. “Đây là con số quá thấp so với toàn bộ quy mô doanh nghiệp ở nước ta hiện nay” - bà Trân nhận xét.
Ấy là câu chuyện của đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất với các lao động trực tiếp. Còn nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao thì sao?
Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045” (Bộ GDĐT) với mục đích huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, chúng ta có cơ hội thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó… nhưng chúng ta lại đang rất thiếu nhân lực để phát triển các lĩnh vực này.
Qua đánh giá của ĐBQH và nhà quản lý, dù nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp hay cho các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ cực cao thì chúng ta vẫn thiếu và yếu. Có lẽ vì thế mà ĐBQH Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, điểm nghẽn của điểm nghẽn mà chúng ta đang gặp phải chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vấn đề ở đây là làm cách nào giải quyết rốt ráo điểm nghẽn này để phục vụ công cuộc phát triển của đất nước. ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách xây dựng, phát triển, và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay…
Giải pháp khác có lẽ là việc đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động; xây dựng và phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ ở mỗi địa phương, đơn vị. Hay giải pháp về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mở rộng các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các trường THPT. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…
Quan trọng là không chỉ đào tạo mà còn cần đào tạo lại với những nhân lực chất lượng cao một cách thường xuyên, liên tục, để luôn đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn mới; hoặc nhân lực chất lượng cao sẽ tự đào thải, tự tinh giản nếu không theo kịp sự phát triển, nhường chỗ cho những nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi trong tình hình mới.
Hoàng Mai