Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" rất cần được nhân rộng
Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" nhằm mục tiêu chính là giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng. Mô hình này không chỉ tập trung vào việc tổ chức phân luồng giao thông mà còn chú trọng đến việc giáo dục và tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Các hoạt động của mô hình bao gồm việc hướng dẫn học sinh đi bộ qua đường an toàn, tổ chức các buổi tuyên truyền về luật lệ giao thông và tạo ra môi trường học tập an toàn cho các em học sinh.
Một trong những điểm nổi bật của mô hình là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên cũng được hướng dẫn các kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông. Từ đó không chỉ đảm bảo an toàn cho học sinh trong giờ tan trường mà còn giúp các em hình thành thói quen tốt trong việc tuân thủ luật lệ giao thông.
Theo thống kê từ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Công an TP Đà Lạt, sau khi triển khai Mô hình Cổng trường an toàn giao thông giai đoạn 2020-2025, số vụ tai nạn giao thông gần cổng trường đã giảm đáng kể. Nhiều trường học đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong ý thức của học sinh về ATGT. Các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm, đi bộ đúng nơi quy định và không chen lấn khi ra vào cổng trường. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn mà còn tạo ra môi trường học tập an toàn hơn, góp phần lan tỏa văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng. Các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con em mình về ý thức ATGT. Nhiều phụ huynh đã chủ động tham gia vào các hoạt động của trường, từ việc hướng dẫn giao thông tại nhà, đến việc tham gia các buổi họp phụ huynh để bàn về các biện pháp an toàn giao thông nhằm bảo vệ an toàn cho con em mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" cũng gặp phải một số khó khăn. Việc thay đổi thói quen và nhận thức của một số bộ phận người dân vẫn chưa hiệu quả. Một số phụ huynh vẫn chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật lệ giao thông, dẫn đến tình trạng ùn tắc và mất an toàn quanh cổng trường.
Để khắc phục những khó khăn này, ngay từ đầu năm học, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Công an TP Đà Lạt và nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho học sinh và giáo viên nhà trường. Bên cạnh đó, các trường cũng tích cực phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, công an các phường, xã để có những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, thông qua các chuyên đề xử lý học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối trên toàn thành phố. Tổ chức ký cam kết của phụ huynh, học sinh về việc tham gia giao thông với nhà trường; nhắc nhở và xử lý những học sinh vi phạm giao thông bằng cách lập biên bản trừ điểm thi đua, cũng như xét hạnh kiểm cuối kỳ 1 và cuối năm học.
Có thể thấy rằng, Mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" tại TP Đà Lạt đã và đang dần phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức ATGT trong cộng đồng. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.
NGUYỆT THU