Cô giáo Lê Thị Quang, sinh năm 1975, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bắt đầu sự nghiệp giáo dục từ năm 1995, tính đến nay, cô đã dành trọn 29 năm cống hiến cho ngành giáo dục, trong đó có 27 năm đảm nhận vai trò quản lý.
Cô giáo Lê Thị Quang là một trong 25 nhà giáo trong khối giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Quang xúc động: “Nhận được danh hiệu này tôi rất hạnh phúc. Bên cạnh sự ghi nhận, động viên, khích lệ cho cá nhân, tôi cho rằng, phần thưởng này cũng là phần thưởng chung, dành cho tập thể ngôi trường vùng cao của mình - đó là một tập thể sư phạm đoàn kết, kỷ cương và trách nhiệm”.
Từ khi còn nhỏ, cô Quang đã nuôi dưỡng ước mơ thiêng liêng trở thành giáo viên mầm non, vì tình yêu sâu sắc dành cho trẻ nhỏ. Cô đã từng tham gia thi tuyển vào các môi trường sư phạm khác nhau, và như một sự sắp đặt của số phận, ngành giáo dục mầm non là ngành công bố điểm sớm nhất, nên cô đã quyết định học tại một trường cao đẳng sư phạm tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Với khát khao mãnh liệt được cống hiến hết mình, sau khi tốt nghiệp vào năm 1995, cô trở về quê hương Nghệ An và tình nguyện đến công tác tại vùng núi cao thuộc huyện Tương Dương. Cô được phân công làm việc tại Trường Tiểu học Lưu Kiền (xã Lưu Kiền) - nơi mà vào thời điểm đó, các lớp mầm non được tổ chức ghép chung với trường tiểu học.
Năm 1997, cô Quang được điều động về làm cán bộ chuyên viên phụ trách chuyên môn mầm non tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương. Đến năm 2018, cô chuyển công tác và đảm nhận vai trò Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng, vị trí mà cô gắn bó cho đến nay.
Trong sự nghiệp dạy học của mình, cô giáo Lê Thị Quang có rất nhiều kỷ niệm với học sinh, nhưng với cô, đáng nhớ nhất là khi mới ra trường, đứng trước trải nghiệm dạy một lớp 25 bé 5 tuổi.
“Nhìn thấy các con đang trong tình trạng chân tay lấm lem bụi bẩn, quần áo bị rách tả tơi, tôi quyết định lên lịch tắm cho các con hai lần/tuần và tự tay giặt sạch, may vá lại quần áo. Suốt cả năm học, tôi vẫn duy trì việc tắm cho các con. Dần dần, việc này trở thành thói quen, đến ngày tắm, các con lại vui vẻ đến gõ cửa để nhờ cô đưa đi tắm. Tôi đã vô cùng hạnh phúc
Tôi xuất thân từ gia đình công nhân khá vất vả, đã có một tuổi thơ rất khó khăn. Có lẽ vì vậy, mà khi tiếp xúc với trẻ em vùng cao, tôi có rất nhiều sự đồng cảm, tôi muốn góp sức cải thiện giáo dục vùng cao cho các con bớt thiệt thòi” - cô tâm sự.
Cô Quang cũng không quên chia sẻ về lần công tác đáng nhớ nhất trong cuộc đời: “Đó là chuyến đi đến vùng biên giới Hữu Khuông vào tháng 9/1999, đúng mùa mưa lũ. Khi đó, xã chỉ có một con đường duy nhất để tiếp cận, đi bằng xuồng máy, qua dòng sông đầy thác ghềnh nguy hiểm. Đoàn công tác mang theo sách giáo khoa, vở viết và gạo để dự lễ khai giảng cho các con.
Trong hành trình, mưa lớn và nước sông dâng cao khiến thuyền của tôi bị thủng, nước tràn vào và chìm. Tôi không biết bơi, bị rơi xuống nước, nhưng may mắn được các thầy cứu vào bờ. Lần ấy quả là được phen thót tim... Giờ đây, đường sá đã thuận tiện hơn rất nhiều, nhưng kỷ niệm đó vẫn mãi là dấu ấn không thể quên trong hành trình làm nghề của tôi”.
Nữ Phó Hiệu trưởng cho biết: “Tương Dương là huyện miền núi biên giới, có diện tích địa lý rộng nhất cả nước, nằm giáp biên giới Việt - Lào. Huyện là nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em, gồm: Ơ Đu, H'Mông, Khơ Mú, Tày Poọng, Thái và Kinh. Với địa hình đồi núi hiểm trở, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, nhưng phần lớn mùa màng thường thất bát do khí hậu khắc nghiệt.
Các lớp học mầm non vì thế không được tổ chức tập trung, mà di chuyển theo học sinh, nơi nào có học sinh thì trường lớp được dựng lên ở đó. Các cô giáo mầm non đến lớp chủ yếu phải đi bộ, ở tạm trong nhà dân. Lớp học được dựng tạm bợ bằng vách nứa, bữa cơm hàng ngày do người dân đóng góp, còn đồng lương thì rất thấp.
Tuy vậy, các cô giáo lại nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến. Họ được học sinh yêu mến, người dân trân trọng và thường xuyên giúp đỡ, coi cô thầy như con cái trong gia đình.
Với tôi, đó chính là động lực quý giá giúp tôi gắn bó và cống hiến trọn vẹn sự nghiệp nhà giáo của mình trên mảnh đất này”.
Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, nhiệt tình, tâm huyết, cô giáo Lê Thị Quang còn có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.
Một trong những thành tựu mà cô Quang tự hào nhất chính là giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2009, với giải Tư về xây dựng “Mô hình bán trú dân nuôi” dành cho trẻ mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn. Sau khi những sáng kiến này được công bố, đã được áp dụng hiệu quả trên toàn tỉnh Nghệ An, góp phần cải thiện sức khỏe của trẻ em và nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn.
Nữ nhà giáo nhấn mạnh, mô hình bán trú được hình thành từ thực tế về tình trạng sức khỏe của trẻ em, với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và việc học hai buổi/ngày khiến các con ở xa gặp nhiều khó khăn khi đi lại. Phụ huynh thường không có thói quen đưa đón con, các con tự đi và về theo anh chị lớn hơn ở cấp tiểu học. Hầu hết các con đều mang cơm từ nhà đến, đựng trong những chiếc cặp lồng.
“Ngày đó, cô trò phải trải chiếu, ngủ ngay trên nền nhà, có nhiều lớp thậm chí nền không lát gạch, không có nhà vệ sinh và không có bếp để nấu canh trưa vì các con chưa quen với việc ăn rau xanh” - cô Quang bồi hồi kể lại.
Dần dần, cô Quang đã vận động phụ huynh dựng nhà bếp tạm, mỗi ngày cắt cử 1-2 phụ huynh mang rau xanh đến, để nấu một nồi canh hoặc món rau xào cho học sinh ăn. Thói quen này dần dần hình thành, những đứa trẻ giờ đây đều đã quen và ăn rất ngon miệng.
Cô Lê Thị Quang cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ chăn, gối và đóng sập gỗ để học sinh có chỗ nằm ngủ.
“Mỗi năm học, cơ sở vật chất lại được cải thiện thêm một chút. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, nhà bếp và lớp học được xây dựng kiên cố hơn. Phụ huynh cũng tham gia nhiệt tình có trách nhiệm, tạo nên thành công của “Mô hình bán trú dân nuôi”.
Hiện nay, toàn huyện vẫn duy trì 9 lớp học theo mô hình này, trong khi các lớp còn lại đã được phụ huynh đóng góp kinh phí để nhà trường tổ chức bán trú” - nữ nhà giáo chia sẻ.
Nữ nhà giáo tiêu biểu năm 2024 cũng bật mí thêm về dự án Nuôi em Nghệ An: “Những cơ duyên ấy cũng đến từ một lần tình cờ bắt gặp một bài viết chia sẻ trên trang Facebook, tôi đã mạnh dạn tìm số điện thoại của Trưởng đại diện quản lý dự án tại tỉnh Nghệ An để đề xuất xin hỗ trợ bữa cơm trưa cho trẻ tại trường”.
Dự án đã hỗ trợ 84 trẻ với mức 8.000 đồng/ngày. Mỗi tháng, cô vận động phụ huynh đóng góp 3 kg gạo, 2 kg rau sạch từ nương rẫy và 26.000 đồng để thuê nhân viên nấu ăn, 20.000 đồng cho chất đốt và 2.000 đồng/ngày/trẻ để mua quà ăn xế chiều.
Sau năm đầu triển khai dự án, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến phụ huynh rất phấn khởi và an tâm hơn trong công tác, vì họ thấy sức khỏe của các con đã được cải thiện đáng kể”.
Trong suốt hành trình gắn bó với sự nghiệp “ươm mầm” cho tương lai, cô Quang luôn tâm niệm rằng, hạnh phúc bao giờ cũng đến từ sự chân thành và tình yêu thương.
Cô tự hào khi nhắc về mô hình “vui chơi 0 đồng” được tạo nên từ lốp xe tái chế và đồ chơi ngoài trời bị hư hỏng được hỗ trợ gia công, lắp ghép ở sân trường: “Tôi mong muốn, các trường học vùng cao có cơ sở vật chất tốt, có nhiều đồ chơi cho các con và 100% trẻ được hỗ trợ ăn trưa tại lớp”.
Bên cạnh đó, cô đã làm tốt công tác vận động xã hội hóa, huy động sự đóng góp cả về vật chất và trí lực từ cộng đồng, quyên góp được vật liệu, thiết bị và nhu yếu phẩm trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Trong công tác phòng chống dịch Covid19 vào tháng 4/2020, cô đã tích tham gia vận động hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, chương trình “75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển” đã giúp cô Lê Thị Quang có cơ hội tham gia và đạt giải cấp tỉnh. “Tôi tự hào vì sáng kiến của mình đã có sức lan tỏa, được các trường học áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực”, cô bày tỏ.
Trong năm học 2023-2024, cô Quang đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh” nhằm phát triển văn hóa đọc cho trẻ em mầm non, đặc biệt là giúp trẻ dân tộc thiểu số tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt.
Cô chia sẻ: “Nhà trường tổ chức vẽ tranh bằng đá cuội để bán gây quỹ, thu được gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi đã sử dụng trang Facebook cá nhân và kêu gọi các nhà hảo tâm tặng 18 chiếc đèn đọc sách cho trẻ 5 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, chuẩn bị lên lớp 1.
Chúng tôi cũng mang tranh của trẻ đi đấu giá, thu được một máy lọc nước trị giá 11,9 triệu đồng. Một số đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng đã tặng tủ nấu cơm, tặng tivi, sách truyện và nhu yếu phẩm cho học sinh. Mô hình “Thư viện xanh” đã được xây dựng tại tất cả các điểm trường với tổng giá trị lên đến 125 triệu đồng”.
Mô hình vườn rau sạch, thư viện xanh, khu vui chơi tự tạo, góc học tập và các hoạt động truyền thông giáo dục đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của tất cả các lực lượng xã hội, với hàng ngàn ngày công lao động. Những sáng kiến này của cô Lê Thị Quang không chỉ giúp cải thiện môi trường học tập, mà còn tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Chia sẻ về nghề giáo, cô Quang muốn nhắn nhủ: “Nhiều bạn trẻ có thể còn ái ngại khi lựa chọn nghề giáo viên mầm non, nhưng đây quả thực là một nghề rất đặc biệt. Đến với nghề này, các cô giáo sẽ luôn giữ được sự tươi trẻ, hồn nhiên như chính các em nhỏ. Các em rất đáng yêu và là nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi chúng ta”.
Vân Anh