PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng, Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, phát biểu
Tinh gọn bộ máy đi đôi với việc "giữ chân" các cán bộ có năng lực
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người lao động cùng thảo luận về thực trạng, cơ hội, thách thức của quá trình chuyển đổi nghề nghiệp trong khu vực công.
Sự kiện cũng hướng đến việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể từ chính sách nhà nước, các chương trình đào tạo, cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân, giúp người lao động tận dụng tốt nhất kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có để thích nghi và phát triển bền vững.
Qua đó, hội thảo mong muốn kết nối nguồn nhân lực dồi dào với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, nhằm khai thác hiệu quả kinh nghiệm quản lý, kỹ năng hành chính cùng khả năng tư duy sáng tạo vốn đã được bồi đắp qua nhiều năm làm việc trong hệ thống Nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng, Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, cho rằng, Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã thu được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn, là hành trang để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, thực tiễn đổi mới cho thấy, càng đi vào chiều sâu của quá trình đổi mới, càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có thách thức lớn là bộ máy của cả hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, không chỉ dẫn đến lãng phí nguồn lực mà còn phát sinh tham nhũng, tiêu cực. "Vì vậy, việc thanh lọc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là cần thiết", bà Hà nhấn mạnh.
Theo Phó Viện trưởng, Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới. Trong thời gian qua, các quốc gia phát triển đã đẩy mạnh thực hiện cắt giảm nhân sự trong bộ máy hành chính công. Vì vậy, lý luận và thực tiễn nêu trên đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Từ đó, bà Hà cho rằng, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ đi đôi với việc sàng lọc, "giữ chân" các cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, thường xuyên đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo trong công việc. Theo đó, số lượng nhân sự giảm nhưng chất lượng sẽ tăng, áp lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân nâng cao trình độ chuyên môn, tăng năng suất, hiệu quả lao động.
Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy giúp giảm số lượng nhân sự không cần thiết, theo đó sẽ giảm chi phí dành cho lương, phúc lợi, cơ sở vật chất… Nguồn lực tài chính tiết kiệm được sẽ đầu tư vào các phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Quá trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị cũng sẽ giúp thuận lợi hơn trong ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và quản trị trực tuyến, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
Hội thảo khoa học và thực tiễn “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế”.
Tinh giản biên chế sẽ gặp không ít thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh tính cấp thiết thì việc tinh giản biên chế cũng sẽ gặp không ít thách thức, trong đó, dễ thấy nhất là hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, bộ máy đang bị chồng chéo, trùng lặp. Do đó, khi sắp xếp lại cho khoa học, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS Hà dẫn chứng bằng báo cáo của Bộ Nội vụ thể hiện, trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, có tới 20% số cơ quan và đơn vị bị phát hiện có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Điển hình ở các lĩnh vực như quản lý tài nguyên và môi trường, thanh tra, kiểm tra hay trong các cơ quan cấp huyện, cấp xã, việc phân chia trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng nhiều nơi "dẫm chân nhau" trong thực thi công việc, gây lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Không những thế, việc tinh gọn bộ máy cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm biên chế và sắp xếp lại đội ngũ nhân sự. Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, công chức. Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, việc tinh gọn nhân sự có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện cuộc cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị.
Về mặt văn hóa, tư duy, theo bà Hà, tâm lý e ngại thay đổi, tư duy "an phận", sợ khó, tìm cách vụ lợi, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan bộ máy vốn có tính ổn định cao. Sự thay đổi đồng nghĩa với việc phá bỏ những "lối mòn", đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn.
Đào tạo lại cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc mới
Để quá trình tinh giản biên chế được hiệu quả, bà Hà cho rằng, trước tiên, cần soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, các địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả.
Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Bên cạnh đó, nước ta cũng cần tối ưu hóa số lượng nhân sự, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc mới trong kỷ nguyên số. Tăng cường chuyển đổi số để giảm thiểu nhân sự trung gian. Tăng cường phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý. Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân sự. Chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Tinh giảm không chỉ dựa trên số lượng mà còn phải bảo đảm cơ cấu hợp lý và năng lực của đội ngũ nhân sự", bà Hà cho hay.
Hội thảo khoa học và thực tiễn với chủ đề "Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động ở khu vực công sau tinh giản biên chế" được tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua Viện Chính sách và quản lý, trên cơ sở phối hợp với VNFund và Báo Phụ nữ Việt Nam với mục tiêu cung cấp giải pháp thực tiễn, công cụ hỗ trợ, cũng như kết nối nguồn lực giúp người lao động khu vực công định hướng lại sự nghiệp một cách chủ động và hiệu quả.
PV