Nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ.
- Có người đánh giá ông là người sành trà nhất Thái Nguyên, chỉ cần nhấp một ngụm trà ông có thể nói vanh vách nguyên liệu của vùng chè nào, giống chè gì, thậm chí chè “sạch” hay không “sạch”.
Tôi là người sành trà nhất hay không, cái đó tùy mọi người nhận xét, nhưng tôi là người uống nhiều loại chè, có sự mẫn cảm đặc biệt nên nhận biết rõ lắm. Mỗi vùng chè của Thái Nguyên cho ra loại trà hương vị khác nhau, ngửi qua biết ngay. Muốn biết trà ngon hay không cũng đơn giản. Ngụm trà đầu tiên nên ngậm trong miệng, để nước trà tự ngấm, họng bắt đầu thấy ngọt ngọt thì lúc đó mới nuốt từ từ. Nếu có cảm giác “xít” họng thì đó không phải trà ngon. Chè ngon thì độ “xít” thoảng qua, họng thoáng. Để biết chè ‘sạch” hay không “sạch” cũng dễ thôi.
Chè pha đặc đang nóng xối thẳng vào nước đá (với điều kiện nước làm đá phải thật sạch), dùng ngón tay khoắng, nước chuyển màu là còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đưa vào máy thử kết quả chính xác 100%. Hoặc có một kinh nghiệm dân gian khác là “chớt” nước chè từ chén này sang chén kia vài chục lần, nếu thấy nước vẩn đục là chè không sạch.
- Sành trà như vậy, ông thường chọn uống loại trà nào?
Trước đây tôi uống trà xanh của Tân Cương, nhưng hai năm nay tôi chỉ uống trà Phúc Vân Tiên (còn gọi là trà Thọ Mười), mua ở chợ Phú Đô (Phú Lương). Như chị biết là chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên thường để “đấu trộn” với các chè khác cho tăng hương thơm. Bát Tiên thơm ngọt, nhưng vị hơi chát quá. Phúc Vân Tiên hương ngọt, dịu, vị đậm dễ chịu. Và quan trọng nhất là giá rất bình dân, chỉ 2-3 trăm nghìn đồng/kg, với người nghỉ hưu như tôi là vừa túi tiền và hợp khẩu vị.
- Hiện nay có quan điểm khác nhau về sản xuất chè truyền thống và uống trà truyền thống. Ông nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Trước đây ông bà ta sao chè trên chảo gang, rồi dần dần sao chè trên tấm tôn, dùng lò ga, nay là sao tự động, bấm nút căn giờ bằng máy… thì vẫn là phương pháp sản xuất truyền thống. Bởi vẫn thực hiện các bước sản xuất như trước, chỉ có phương tiện khác. Còn uống trà truyền thống nghĩa là uống chè xanh và nước chè tươi. Nếu uống sang ô long, hồng trà, trà đen (trải qua quá trình lên men)…thì không còn là uống trà truyền thống nữa.
- Là người đi nhiều nơi, uống nhiều loại trà các nước, ông ấn tượng nhất khi uống loại trà nào của nước ngoài?
Đó là lần tôi đến vùng Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc thấy trên bàn trà nào cũng có con trâu bằng gốm. Khi pha trà, chủ nhà thường “xối” nước sôi lên lưng trâu. Lúc đầu tôi nghĩ đó là lối chơi, sau tôi quan sát và phát hiện ra là không phải. Lần ấy tôi mua 1 lạng chè Phổ Nhĩ, tôi hỏi người bán (cũng là chủ trà) là chè mấy tuổi? Họ nói với tôi chè 10 tuổi (tuổi chè càng cao giá bán càng đắt).
Tôi pha và cũng “chớt” nước sôi trên lưng trâu, “chớt” đến nước thứ 6 tôi dừng lại, rót nước ra các chén mời mọi người uống, chủ trà chắp tay nói “bái phục”. Nghĩa là, chè bao nhiêu tuổi thì sẽ dùng bấy nhiêu lần nước sôi để loại các chất tự sinh, nước chè phản ứng trên lưng con trâu gốm, nếu nước sủi bọt trên lưng con trâu ở lần thứ mấy, đồng nghĩa với phẩm trà ấy được mấy tuổi. Con trâu trên bàn trà là thước đo lường chất lượng phẩm trà.
Bộ sưu tập ấm pha trà của nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ.
- Nói đến trà là nói đến ấm, nhiều người bảo nhau tìm mua ấm Tử Sa và dễ dàng mua loại ấm này trên mạng. Ông có cách nào biết được ấm Tử Sa thật hay giả?
Ấm Tử Sa được nung ở nhiệt độ cao và không tráng men. Loại ấm này thường có màu tím, xuất phát từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. Hương vị của trà pha trong ấm Tử Sa sẽ thơm ngon hơn do các loại khoáng vi lượng có trong đất làm ấm. Muốn biết thật hay giả cũng rất đơn giản. Cho nhiều chè vào ấm, đổ nước sôi, để đấy sau một tháng rót ra nước không thiu, thì ấm đó có đất Tử Sa khoảng 20%. Nếu Tử Sa 50% thì để hàng tháng nước rót ra vẫn thơm mùi trà.
- Khái niệm văn hóa được thể hiện ở mọi khía cạnh cuộc sống, trong đó có cả trà. Vậy văn hóa trà Việt Nam biểu hiện ở đâu, thưa ông?
Văn hóa trà Việt Nam biểu hiện cao nhất, chưa nước nào có, là sự giao hòa với tâm linh. Đơn cử, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân thường chọn trà ngon dâng mời các thánh thần, sau đó con cháu mới pha trà uống với nhau. Ở mỗi gia đình cũng vậy, ngày cúng giỗ con cháu thường pha trà ngon dâng lên bàn thờ. Nhiều người coi trà như một thú chơi tao nhã, đó cũng là nét văn hóa. Từ thời cụ Nguyễn Trãi, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Tuân… đã rất cầu kỳ khi uống trà.
- Khá nhiều người quan tâm đến việc xây dựng trà thất, trà viên trong nhà mình, ông có cho rằng đó là việc cần thiết không?
Đó là việc tối cần thiết. Muốn nói đến đạo, đến văn hóa thì cần có không gian để thưởng trà, để đàm đạo. Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí có đoạn nói về các vua chúa của Việt Nam đi kinh lý đến khu vực dốc Hàng Than, Hà Nội, thường ghé vào một cái điện triều đình xây, có tên gọi là Đinh Bộ Đầu (để nghỉ ngơi và ăn trầu, uống trà), sau đổi tên là Điện Trà, đó chính là trà thất đầu tiên của người Việt.
Trà thất, trà viên thì cốt lõi nhất là sự yên tĩnh, gần gũi. Nhưng quan trọng nhất là chủ trà (hoặc trà nương) phải chân tình, dung dị, chừng mực. Đừng nói nhiều nếu như khách không đến để nói chuyện với mình. Trà không phải là cao lương mỹ vị, nhưng đã gọi là văn hóa thì phải tinh tế.
- Vậy làm thế nào để trong mỗi ngôi nhà của người Thái Nguyên có một trà thất hoặc một trà viên?
Tôi nghĩ nên bắt đầu từ trên xuống dưới. Tỉnh ủy, Ủy ban, trong các sở, ngành… nên có một không gian trà. Ở đó trưng bày các loại trà, có bản đồ vùng chè ngon và các nhà chè uy tín, có chỉ dẫn du lịch vùng chè gắn với ẩm thực… Khách đến mời vào ngồi trong không gian đó, mời uống chén trà nóng, là bộc bạch ra bản sắc riêng có của người Thái Nguyên rồi. Chúng ta đang hưởng lộc chè nên việc nâng niu, trân quý chè vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm.
Nghệ nhân, nhà văn hóa trà Mông Đông Vũ sinh năm 1950 tại xã Lam Vĩ (Định Hóa). Ông được coi là người đầu tiên ở Việt Nam dày công nghiên cứu và đưa văn hóa trà vào lễ hội. Ông có thú sưu tầm ấm pha trà, bộ sưu tập ấm của ông hiện có gần 400 chiếc với niên đại, kiểu dáng, kích thước khác nhau.
Minh Hằng (Thực hiện)