Nhanh nhạy trên đồng ruộng

Nhanh nhạy trên đồng ruộng
6 giờ trướcBài gốc
Chăm sóc hoa trong nhà lưới
Chúng tôi về làng Tiên Nộn, khi nhiều ruộng hoa nơi đây đang bắt đầu khoe sắc vàng rực. Cũng có những khoảnh ruộng hoa cúc đang gối vụ lên xanh. Chiều đã muộn, nhưng Ông Duẫn vẫn bận rộn bên những luống hoa trải rộng mênh mông. Gia đình có gần chục sào đất, hầu hết ông Duẫn ưu tiên dành trồng hoa. Để có đủ hoa đưa ra chợ mỗi tháng 2 kỳ, vợ chồng ông Duẫn chọn cách trồng gối vụ. Bốn mùa xoay vần, cứ đều đặn mỗi tháng gia đình ông lại xuống giống tầm 10.000 cây cúc/1 sào đất. Tùy theo vụ mà trồng cúc vàng, cúc pha lê, cúc ruby… Chăm sóc đúng kỹ thuật, tầm 3 tháng là giống cúc cho thu hoạch. Với giá trung bình 3 nghìn đồng/1 cây hoa tại vườn, mỗi tháng gia đình ông Duẫn thu được tầm 30 triệu đồng.
Ông Duẫn chia sẻ, trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết ổn định, khí hậu thuận hòa thường cho thu hoạch tốt. Nhưng lắm khi người nông dân ứa nước mắt bởi chén cơm đến miệng còn bị thiên tai cướp mất. Đó là thời điểm trời nắng dài ngày, hoa gần đến ngày thu hoạch thì trời đổ mưa, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến hoa bị sốc nhiệt dẫn đến hư hại; hoặc khi mưa nhiều, gây ngập úng. Để việc gieo trồng thuận lợi, đạt năng suất cao, người nông dân cần chủ động trong sản xuất. Ông Duẫn không ngừng trau dồi kiến thức, tham gia các khóa tập huấn tại địa phương để nắm chắc phương pháp, kỹ thuật. Vừa làm vừa tự rút kinh nghiệm, nên ông Duẫn rất nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cây trồng để cho năng suất cao và mang lại hiệu quả tốt.
Bên cạnh các dòng hoa cúc thu hoạch mỗi tháng, gia đình ông Duẫn còn trồng nhiều loại hoa phục vụ dịp tết như hoa mâm xôi Hàn Quốc, hoa dạ yến thảo, cúc lá nhám, vạn thọ... “Làm nghề hoa phải thay đổi liên tục. Mình phải nắm bắt được thị hiếu của người chơi hoa, phải tìm kiếm dòng hoa mới theo xu hướng thị trường may ra mới thành công được. Mỗi năm, tôi đều tìm hiểu loại hoa mới, đẹp, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để trồng phục vụ cho nhu cầu chơi hoa tết của bà con. Hoa của vùng khác nhập về Huế do chịu sự thay đổi của thời tiết nên sốc nhiệt hoặc giá thể chỉ toàn xơ dừa nên cây không giữ được nước lâu khiến hoa mau tàn, trong khi đó hoa được trồng tại Huế tươi lâu hơn nên rất được người chơi hoa ưa chuộng. Nếu biết cách chăm sóc, hoa cúc có thể chưng đến cuối tháng Giêng, dạ yến thảo đến tháng tư, thu hải đường có thể kéo dài cả năm vẫn đẹp” - ông Duẫn chia sẻ.
Để chủ động giống, vợ chồng ông Duẫn trực tiếp ươm cây. Trước đây, ngoài sản xuất số lượng lớn cây giống hoa, để phục vụ nhu cầu gieo trồng trong gia đình, vừa phục vụ cho bà con trong vùng và các tỉnh lân cận. “Cây hoa cúc rất nhiều bệnh, nên mình làm cây giống tầm 4-5 năm đất sẽ nhiễm bệnh. Cây hoa giống có khả năng nhiễm bệnh cao từ nguồn đất cũ không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng, nếu vẫn tiếp tục làm. Do không có quỹ đất mới, nên gia đình tôi quyết định chuyển đổi sản xuất, làm hoa cảnh phục vụ tết”, ông Duẫn cho hay.
Thời tiết ở Huế nhiều bất thường, mưa lũ nhiều, nên gia đình ông Duẫn mạnh dạn đầu tư nhà kính. Tầm tháng 9, tháng 10, mưa lớn, cây ở ngoài sẽ bị úng, dập lá nên được “di cư” vào nhà kính. Hoa dạ yến thảo, hoa cát tường, được trồng từ 8 tháng trong nhà lưới, qua tháng 10 khi mưa lụt đã hết mới được đưa ra ngoài.
Sản xuất hoa vụ tết là thời điểm tất bật nhất trong cả năm. Năm nào gia đình ông Duẫn cũng trồng hơn 6 ngàn chậu hoa dạ yến thảo, vạn thọ pháp mào gà lửa, mâm xôi, thược dược, thu hải đường, cát tường… Bao năm qua, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Duẫn xây được nhà cao tầng khang trang bề thế, cuộc sống sung túc, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Bài, ảnh: Hà Lê – Quỳnh Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhanh-nhay-tren-dong-ruong-146304.html