Động thái của BOJ nhằm tăng lãi suất trong chính sách ngắn hạn lên 0,5% diễn ra chỉ vài giờ sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy giá cả tăng trong tháng trước với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng.
Lần tăng lãi suất gần đây nhất của BOJ vào tháng 7 năm ngoái, cùng với báo cáo việc làm yếu kém từ Mỹ đã khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới bất ngờ, dẫn đến đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Thống đốc BOJ - Kazuo Ueda đã báo hiệu trước về đợt tăng lãi suất mới nhất này nhằm tránh một cú sốc thị trường khác.
Theo số liệu chính thức, giá tiêu dùng cốt lõi tại Nhật Bản đã tăng 3% vào tháng 12.
Quyết định này đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên của BOJ kể từ tháng 7 và được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
BOJ tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, điều này có thể ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu như Nhật Bản.
Bằng cách tăng lãi suất ngay bây giờ, ngân hàng không chỉ cố gắng kiểm soát lạm phát mà còn có nhiều phạm vi hơn để cắt giảm lãi suất trong tương lai nếu cần áp dụng thêm các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế.
Động thái này cũng làm nổi bật kế hoạch của ngân hàng trung ương là tăng lãi suất đều đặn lên khoảng 1% - mức mà các nhà kinh tế coi là không thúc đẩy hoặc làm chậm đi nền kinh tế.
Năm ngoái, BOJ đã tăng chi phí vay lần đầu tiên kể từ năm 2007. Lần tăng đó có nghĩa là không còn quốc gia nào trên thế giới hiện còn giữ mức lãi suất âm nữa.
Khi lãi suất âm có hiệu lực, mọi người phải trả tiền để gửi tiền vào ngân hàng. Một số quốc gia đã sử dụng lãi suất âm như một cách khuyến khích mọi người chi tiêu tiền của họ thay vì gửi tiền vào ngân hàng.
Anh Duy