Theo thống kê do công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) vừa công bố, bắt đầu từ hôm nay 1/4, 195 nhà sản xuất thực phẩm và nhu yếu phẩm chủ yếu của Nhật Bản sẽ đồng loạt tăng giá 4.225 mặt hàng thiết yếu, với mức tăng giao động từ 6% - 20%.
Đây là thông tin gây lo ngại sâu sắc trong toàn xã hội Nhật Bản. Bởi vì, chỉ riêng trong năm 2024, tại thị trường Nhật Bản, đã có tới 12.520 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá, với mức giao động từ 8% - 23%, và trong giai đoạn từ tháng 1 - 4/2025, đã có thêm 6.121 mặt hàng tiêu dùng nữa bị nâng giá, với mức tăng trung bình 18%.
Một người dân Tokyo than phiền: “Hàng hóa nào cũng tăng giá cao. Tôi dự định sẽ mua thứ gì đó hợp với túi tiền của mình, nhưng kết quả là vẫn chưa mua được gì vì giá quá đắt”.
Từ 1/4/2025, tại Nhật Bản, sẽ có thêm 4.225 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá mạnh
Để đối phó với tình trạng giá cả leo thang, nhiều người tiêu dùng Nhật Bản buộc phải lựa chọn một giải pháp mang tính tình thế là tích trữ nhu yếu phẩm. Nhưng cách này lại gây những tác động xấu cho cả thị trường, khi lượng tích trữ tăng quá cao dẫn tới tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.
“Từ đầu tháng 3 đến nay, lượng mua của khách hàng tăng đột biến, có người mua gấp 2 - 3 lần bình thường. Siêu thị cũng phải tăng lượng nhập hàng để có thể bán với giá cũ, nhưng số lượng cũng chỉ có hạn, nên siêu thị phải thông báo với khách hàng”, quản lý một siêu thị ở Tokyo cho biết.
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ cũng rơi vào hoàn cảnh “cháy nhà hai đầu”, với một bên là sự than phiền của khách hàng, còn bên kia là áp lực của nhà cung cấp. Ông Takahashi Hiroshi – Chủ tịch nghiệp đoàn bán lẻ quận Shibuya – Tokyo cho biết, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã phải tìm mọi biện pháp để giảm chi phí hoạt động như dừng quảng cáo, giảm sử dụng thiết bị điện... nhằm duy trì mức giá ổn định.
“Nhiều cửa hàng phải cắt giảm các hoạt động thường xuyên, sử dụng phần kinh phí dôi dư đó để có thể bán hàng với giá rẻ hơn thị trường. Đây được coi là biện pháp duy nhất có hiệu quả trong khi chờ đợi thị trường bình ổn được giá cả”, ông Takahashi Hiroshi nói.
Cũng theo TDB, việc các nhà sản xuất buộc phải nâng giá sản phẩm là do một số nguyên nhân chính như giá nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu, bao bì, phí vận chuyển tăng cao, kèm theo đó là chi phí nhân công đắt đỏ và giá trị đồng Yen bấp bênh. Đây đều là những nguyên nhân mang tính truyền thống và không thể giải quyết trong ngày 1 ngày 2.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài và chưa nhìn thấy hồi kết. Trong bối cảnh đó, người Nhật đặt cho mùa xuân năm 2025 này một cái tên có ý nghĩa sâu xa là “Mùa Xuân của những cơn bão giá”. Đồng thời tỏ ra lo ngại về nguy cơ những cơn “bão giá” này sẽ biến mục tiêu “đưa thu nhập của người lao động tăng cao hơn mức tăng của vật giá” do Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực theo đuổi trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Tuấn Nhật-Ngọc Huân/VOV-Tokyo