Nhật Bản đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng mục đích kép

Nhật Bản đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng mục đích kép
16 giờ trướcBài gốc
Hướng đi chiến lược mới
Khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng mục đích kép (phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự) lần đầu tiên được công bố vào tháng 9.2024. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc tận dụng sức mạnh sáng tạo của khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, để phát triển các công nghệ tiên tiến dân sự vào nghiên cứu quốc phòng. Sáng kiến này được xây dựng trên ba trụ cột: nhận dạng, tích hợp và hỗ trợ.
Để tồn tại trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, Nhật Bản phải tích hợp hệ sinh thái đổi mới quốc phòng và dân sự bao gồm nhiều bên liên quan. Tháng 7.2023, Chính phủ Nhật Bản đã xác định khoảng 200 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái, an ninh mạng, truyền thông vệ tinh và các sáng kiến liên quan đến sóng điện từ. Các công ty khởi nghiệp có tiềm năng này, sẽ hợp tác với Viện Khoa học và công nghệ đổi mới quốc phòng, một cơ quan mới thành lập vào tháng 10.2024, nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ dân sự vào thiết bị quốc phòng, phù hợp với xu hướng toàn cầu gần đây trong chính sách mua sắm quốc phòng vốn ngày càng tích hợp các công nghệ và ý tưởng của khu vực tư nhân vào hệ sinh thái đổi mới quốc phòng.
Thực tế, Nhật Bản không phải lần đầu tiên thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực quốc phòng. Từ Chiến lược an ninh quốc gia năm 2013 và Chiến lược về sản xuất quốc phòng và cơ sở công nghệ năm 2014, Nhật Bản đã đặt mục tiêu sử dụng các công nghệ hai mục đích và tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển quốc phòng. Các chính sách này nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư là một phần quan trọng của quá trình thay đổi chính sách, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, sự suy giảm môi trường an ninh, mối lo ngại về sự thu hẹp ngành công nghiệp quốc phòng, và nhu cầu hợp tác công nghệ với các đồng minh.
Hakugei - tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel - điện thuộc lớp Taigei thứ hai của Nhật Bản. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Tuy nhiên, những nỗ lực tích hợp trước đây đã gặp không ít trở ngại. Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vốn có biên lợi nhuận thấp, dẫn đến tình trạng nhiều công ty tư nhân lần lượt rời bỏ lĩnh vực này để tập trung vào các thị trường dân sự có lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, ngành còn đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ giới học thuật và tâm lý chống quân phiệt sâu sắc, được hình thành từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khiến việc thúc đẩy hợp tác công - tư càng thêm khó khăn.
Đặc biệt, Hội đồng Khoa học Nhật Bản thường xuyên phản đối các dự án do Bộ Quốc phòng tài trợ, cho rằng điều này có thể làm tổn hại đến quyền tự do học thuật và thúc đẩy quân sự hóa khoa học. Vì những lý do này, các cải cách của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, bao gồm các dự án quốc phòng do khu vực tư nhân dẫn đầu, đã không mang lại kết quả ngay lập tức và đầy đủ. Thêm vào đó, một số công ty khởi nghiệp cũng có khả năng phải đối mặt với những rào cản tương tự khi tham gia thị trường.
Cơ hội trong bối cảnh mới
Dù còn đối mặt với nhiều thách thức, sáng kiến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng hai mục đích tại Nhật Bản đang nhận được động lực mạnh mẽ từ sự thay đổi trong quan điểm của công chúng và bối cảnh chính trị, kinh tế mới. Dư luận dần trở nên ít tiêu cực hơn đối với chính sách an ninh quốc gia thực dụng.
Xã hội Nhật Bản ngày càng chấp nhận hơn các biện pháp an ninh quốc gia mang tính thực dụng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang với Trung Quốc và Triều Tiên. Điều này tạo nền tảng thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án quốc phòng. Bên cạnh đó, làn sóng khởi nghiệp từ những doanh nhân trẻ, không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực kinh doanh truyền thống, cũng mang lại sức sáng tạo và tính linh hoạt cần thiết để phát triển mô hình sử dụng kép.
Ngoài ra, chính sách an ninh hóa kinh tế, điển hình như Luật Thúc đẩy an ninh kinh tế năm 2022, đã tái định hình các nỗ lực nghiên cứu và phát triển quốc phòng, tích hợp chúng vào chiến lược an ninh kinh tế toàn diện. Cụ thể, luật hỗ trợ các sáng kiến như “Nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến và then chốt thông qua Chương trình hợp tác xuyên cộng đồng”. Khi thực hiện như vậy, Chính phủ đã mở rộng ngân sách nghiên cứu và phát triển, với các ứng dụng trải dài trên cả lĩnh vực dân sự và quân sự - được gọi chính thức là công nghệ “đa mục đích”. Điều này có nghĩa là nghiên cứu và phát triển liên quan đến quốc phòng hiện không chỉ được định hình trong bối cảnh an ninh quân sự, mà còn cả an ninh kinh tế, điều này có khả năng được chấp nhận nhiều hơn trong văn hóa chính trị Nhật Bản.
Các sáng kiến này không chỉ giúp thu hút đầu tư, mà còn làm cho nghiên cứu quốc phòng trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty khởi nghiệp.
Ý nghĩa chiến lược toàn cầu
Sáng kiến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng của Nhật Bản không chỉ mang tính chiến lược ở phạm vi quốc gia mà còn thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nhật Bản đang tìm cách học hỏi và áp dụng các mô hình đổi mới đã thành công như Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) và Đơn vị Đổi mới quốc phòng (DIU) của Mỹ. Thông qua việc kết hợp giữa cải thiện năng lực quốc phòng và thúc đẩy đổi mới công nghệ, Nhật Bản đặt mục tiêu cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao trên toàn cầu.
Các mục tiêu chiến lược của sáng kiến này rất đa dạng. Trước tiên, Nhật Bản muốn củng cố an ninh quốc gia bằng cách phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng,... Những công nghệ này không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng, mà còn tạo ra sức mạnh mềm giúp Nhật Bản dẫn đầu trong các ngành công nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, sáng kiến này tập trung vào việc bảo vệ và củng cố chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực then chốt như chất bán dẫn, công nghệ viễn thông, và năng lượng xanh, nhằm giảm phụ thuộc vào các nguồn cung từ bên ngoài và bảo vệ lợi ích kinh tế chiến lược.
Ngoài ra, sáng kiến này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc tế. Thông qua các dự án liên doanh và nghiên cứu chung, Nhật Bản hy vọng sẽ thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Việc thể hiện cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu an ninh chung không chỉ củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ mà còn nâng cao vị thế chiến lược của đất nước mặt trời mọc trên trường quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng có nhiều thách thức về địa chính trị.
Nói chung, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng hai mục đích của Nhật Bản là bước đi táo bạo nhằm hiện đại hóa ngành quốc phòng và tăng cường sức mạnh công nghệ. Tuy nhiên, sự thành công của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua các rào cản văn hóa, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và xây dựng mạng lưới đổi mới thống nhất.
Ngọc Minh (Theo EAF)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhat-ban-day-manh-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-quoc-phong-muc-dich-kep-post400507.html