Nhật Bản – Hàn Quốc 'choáng váng' vì thuế đánh vào ô tô của Mỹ

Nhật Bản – Hàn Quốc 'choáng váng' vì thuế đánh vào ô tô của Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Thiệt hại nặng nề
Có thể khẳng định ngay, không cần chần chừ, là mức thuế này sẽ giáng một đòn đánh mạnh, không chỉ vào công nghiệp ô tô, mà vào cả toàn bộ kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, công nghiệp ô tô là ngành kinh tế mũi nhọn của cả hai nước này. Mức thuế mà Mỹ áp dụng cho đến thời điểm hiện nay đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc là 2,5%. Chỉ cần một phép tính nhẩm đơn giản cũng có thể hình dung ra thiệt hại mà 2 nước này phải gánh chịu sẽ lớn thế nào với mức thuế bổ sung 25%.
Theo Hiệp hội công nghiệp ô tô Nhật Bản, hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của nước này xuất khẩu sang Mỹ khoảng trên dưới 1.480.000 xe ô tô các loại, đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Nhật Bản sang Mỹ lên tới trên 6.026 tỷ Yên (tương đương khoảng hơn 40 tỷ USD), chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của nước này. Đứng thứ 2 là các loại phụ tùng ô tô, với kim ngạch trên 1.231 tỷ Yên (tương đương khoảng 8,2 tỷ USD). Do đó, mức thuế mới của Mỹ có thể làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản mất ít nhất 0,2%, và đây chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng.
Tương tự như vậy đối với Hàn Quốc. Theo thống kê của các cơ quan hữu quan Hàn Quốc, lượng xuất khẩu ô tô trung bình hàng năm từ nước này sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 49% tổng lượng xuất khẩu ô tô ra nước ngoài, trong đó, chỉ riêng trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Hàn Quốc sang Mỹ lên tới trên 34,7 tỷ USD. Vì vậy, mức thuế 25% của Mỹ là “đòn đánh mạnh”, có khả năng khiến Hàn Quốc đánh mất vị trí cường quốc xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới hiện nay.
Chính sách thuế của Mỹ là đòn đánh mạnh vào công nghiệp ô tô của thế giới. Ảnh: Reuters
Các thiệt hại đã xuất hiện ngay tại thị trường chứng khoán của cả hai nước, với Chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei của Nhật Bản và Chỉ số chứng khoán tổng hợp KOSPI của Hàn Quốc liên tục ở trong tình trạng “lao dốc không phanh” suốt nhiều tuần qua. Ngoài ra, còn có nhiều thiệt hại phi vật thể và những tác động rất tiêu cực khác tới an sinh xã hội của hai nước này, khi Chính phủ 2 nước buộc phải thay đổi chiến lược, chính sách xuất khẩu, còn các doanh nghiệp ô tô không thể không tái cấu trúc, sa thải nhân công để giảm chi phí, nhằm tiếp tục tồn tại.
Cơ hội mong manh
Khi công bố các chính sách thuế, ông Donald Trump thường nhấn mạnh đến yếu tố “không có ngoại lệ”. Do đó, cơ hội né tránh của Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, là rất thấp. Hiện nay, giới chính trị và kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang hy vọng việc Mỹ sẽ giành ngoại lệ cho hai nước này. Bởi vì cho đến nay, Tổng thống Donald Trump đã vài lần đưa ra tuyên bố chính sách rồi lại tạm hoãn. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ không có ngoại lệ nào.
Theo thông tin từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, hôm 11/3, tại Washington, người đứng đầu Cơ quan này – Bộ trưởng Muto Yoji đã lần lượt có các cuộc hội đàm riêng rẽ lần đầu tiên với người đồng cấp phía Mỹ Howard Lutnick và người đứng đầu Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, để trao đổi ý kiến về quan hệ thương mại song phương, đồng thời đề xuất phía Mỹ không áp dụng mức thuế cao đối với ô tô và các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Mỹ đã từ chối một cách thẳng thừng đề xuất này khi nhấn mạnh “không thể đưa Nhật Bản ra khỏi chính sách chung”. Lý do phía Mỹ đưa ra là vì đang phải đẩy mạnh quá trình phục hồi công nghiệp chế tạo và bảo đảm việc làm cho người lao động, do đó cần các biện pháp quyết liệt, cụ thể.
Đối với Hàn Quốc, tình thế còn khó khăn hơn, khi ông Donald Trump đã đặt nước này vào “tầm ngắm”. Trong một tuyên bố chính sách, Tổng thống Donald Trump khẳng định Hàn Quốc đang áp dụng một hàng rào thuế quan cao gấp 4 lần của Mỹ và nhấn mạnh: “Mặc dù nước Mỹ đang hỗ trợ Hàn Quốc về nhiều mặt, bao gồm cả quân sự, nhưng vẫn xảy ra tình trạng trên”. Theo thông tin từ Bộ Công nghiệp – Thương mại – Tài nguyên Hàn Quốc, nước này đang thông qua các cơ quan đại diện tại Mỹ để thiết lập các kênh đàm phán, đồng thời tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao với phía Mỹ để giải tỏa những hiểu lầm và bất đồng hiện nay trong thời gian sớm nhất có thể.
Phía Nhật Bản cũng chủ trương sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ trên tinh thần duy trì hợp tác Nhật – Mỹ theo phương châm đôi bên cùng có lợi trong thời gian tới. Hiện nay, mọi giới của hai nước này đang ở trong tình trạng phấp phỏng, và chưa đủ cơ sở để đưa ra những biện pháp ít nhiều có hiệu quả. Tuy nhiên, có một điểm cần nhấn mạnh. Mặc dù đã và đang phải gánh chịu những thiệt hại từ chính sách thuế quan bảo hộ của Mỹ, nhưng cả hai nước đều không mong muốn áp dụng các biện pháp trả đũa đối với Mỹ, do những lo ngại về việc trả đũa qua lại sẽ làm tổn thất tăng cao hơn nữa, và tiếp tục tạo những tiền lệ xấu trong các hoạt động thương mại quốc tế.
Biện pháp thích ứng
Trên tinh thần đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực tìm nhiều biện pháp, trong đó có cả những biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề trước mắt, và cũng có cả những giải pháp hướng tới tương lai lâu dài, bền vững. Biện pháp đầu tiên mà cả hai nước đang đẩy mạnh là thuyết phục Mỹ về những tác dụng ngược theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” của chính sách hiện nay do Tổng thống Trump đưa ra, cùng việc nêu bật những lợi ích mà hợp tác kinh tế Nhật – Mỹ, Hàn - Mỹ mang lại cho nước Mỹ về lao động – việc làm, an sinh xã hội, thu ngân sách... từ những khoản đầu tư lên tới 1000 tỷ USD thông qua các dự án mở rộng đầu tư tài chính, xây dựng các cơ sở sản xuất mới tại Mỹ...
Song song với việc thúc đẩy đàm phán với Mỹ, hai nước cũng đang chuẩn bị những kịch bản để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu... Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trước mắt, trong khi Hàn Quốc cũng đề xuất tăng ngân sách nhà nước năm 2026 để có thêm nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp trong giai đoạn tìm kiếm lối thoát mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp của hai nước cũng đang nỗ lực tìm hướng đi để đề phòng bất trắc.
Có một số kịch bản mà các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc đang lựa chọn. Thứ nhất là di chuyển nhà máy đến Mỹ, theo đúng mong muốn của ông Trump. Nhưng kịch bản này ít được quan tâm, do sự lo ngại về những rủi ro khó lường trong chính sách của Chính phủ Mỹ hiện nay. Thứ hai là di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bởi vì, Trung Quốc cũng đang là một trong những đối tượng chủ yếu mà chính sách thuế của nước Mỹ nhắm vào. Với kịch bản thứ hai này, các doanh nghiệp phải lựa chọn hoặc di rời nhà máy về nước, hoặc đến một nước thứ ba trung tính hơn, có nhiều lợi thế hơn. Một kịch bản nữa là việc tập trung phát triển các thị trường mới tại châu Á và châu Phi, để thay thế cho thị trường Mỹ đang bị hàng rào thuế quan vây kín.
Tuy nhiên, cho dù với bất cứ kịch bản nào, bất cứ biện pháp nào hiện nay, thiệt hại đối với Nhật Bản và Hàn Quốc là điều không tránh khỏi, nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thuế quan bảo hộ. Hai nước cũng tỏ ra cảnh tỉnh sâu sắc với bài học “không để lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào trong các hoạt động kinh tế”. Mặc dù, bài học đắt giá này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ, nhưng đến tận thời điêm hiện tại, nhiều nước, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn đang tiếp tục phải trả giá.
Tuấn Nhật/VOV-Tokyo
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhat-ban-han-quoc-choang-vang-vi-thue-danh-vao-o-to-cua-my-post1189005.vov