Nhật Bản muốn thuê Malaysia chôn CO2 dưới các mỏ khí đã cạn kiệt

Nhật Bản muốn thuê Malaysia chôn CO2 dưới các mỏ khí đã cạn kiệt
8 giờ trướcBài gốc
Khí CO2 ở Nhật sẽ được hóa lỏng và đưa đến các mỏ khí đã cạn kiệt ở Malaysia. Hình minh họa
Dự án nhằm hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Nhật Bản, trong bối cảnh quốc gia này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Tham gia dự án có công ty thương mại Mitsui & Co., tập đoàn điện lực Kansai Electric Power của Nhật Bản và công ty dầu khí quốc doanh Malaysia - Petronas. Khí CO₂ sau khi vận chuyển sẽ được bơm vào các mỏ khí ngoài khơi đã cạn.
Công suất lưu trữ và mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Hiện tại, ba địa điểm đã được lựa chọn để triển khai dự án, với công suất lưu trữ tối đa khoảng 10 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên của Nhật Bản về lưu trữ carbon ở nước ngoài.
Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, nước này đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thúc đẩy sản xuất xe điện. Ngoài ra, Nhật cũng đặt mục tiêu lưu trữ từ 120 triệu đến 240 triệu tấn CO₂ mỗi năm vào năm 2050, tương đương 10–20% tổng lượng khí thải CO₂ trong năm tài khóa 2023.
Trong nước, Nhật Bản đã xác định 11 địa điểm tiềm năng để lưu trữ CO₂ với tổng công suất khoảng 16 tỷ tấn. Một dự án ngoài khơi Hokkaido dự kiến sẽ khởi động vào năm 2025, nhưng phần lớn các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.
Theo Chính phủ Nhật Bản, việc vận chuyển CO₂ ra nước ngoài là xu hướng tất yếu. Dự kiến, một biên bản ghi nhớ (MOU) với Malaysia sẽ được ký kết vào mùa hè năm nay. Hoạt động vận chuyển CO₂ ra nước ngoài cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm biển, theo quy định của Nghị định thư London.
Theo chiến lược năng lượng mới mà Chính phủ Nhật phê duyệt hồi tháng 2 năm nay, quốc gia này dự kiến vẫn sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho khoảng 30–40% cơ cấu khai thác điện đến năm 2040. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khí thải nhà kính sẽ còn ở mức cao trong nhiều năm tới.
Mở rộng hợp tác quốc tế về lưu trữ carbon
Trong mô hình lưu trữ CO₂, khí thải từ các nhà máy điện và công nghiệp sẽ được thu gom, hóa lỏng và vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng. Nhật Bản cũng đang tính đến việc sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện môi trường như hydro và amoniac cho đội tàu này nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Trên thế giới, một số quốc gia đã đi trước trong hợp tác lưu trữ CO₂. Ví dụ, Na Uy đã ký thỏa thuận với Hà Lan và Đan Mạch để vận chuyển và lưu trữ khí CO₂ dưới đáy biển.
Nhật Bản cũng đang xem xét mở rộng hợp tác với các nước khác như Úc. Một số doanh nghiệp lớn như Inpex và Chubu Electric Power đã bắt tay với đối tác nước ngoài để chuẩn bị cho những dự án tương tự.
Chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ cần đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ yên (tương đương 28 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới cho công nghệ thu gom và lưu trữ carbon. Để hỗ trợ khu vực tư nhân vốn đang phải gánh chi phí lớn, Chính phủ nước này dự kiến sẽ sử dụng công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi xanh (Green Transformation Bonds).
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhat-ban-muon-thue-malaysia-chon-co2-duoi-cac-mo-khi-da-can-kiet-726923.html