Tuyến băng chuyền có thể chở được lượng hàng hóa tương đương với công việc của 25.000 tài xế xe tải mỗi ngày
Nhà chức trách Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường băng chuyền để chở hàng hóa nối liền thủ đô Tokyo với Osaka dài 515km. Tuyến đường “Autoflow-Road” như một băng chuyền hàng hóa của sân bay hay các mỏ.
Băng chuyền khổng lồ này được xây dựng giữa đường cao tốc, dọc theo các tuyến đường và đường hầm. Băng chuyền logistics tự động được thiết kế để tận dụng tối đa không gian đường như lề cứng, dải phân cách và đường hầm bên dưới. Hàng hóa sẽ được vận chuyển tự động bằng xe điện, không người lái, nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động và cắt giảm khí thải tại Nhật Bản.
Đây là một phần trong giải pháp đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với dịch vụ vận chuyển ở nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Các nhà hoạch định cũng hy vọng con đường sẽ giảm bớt áp lực đối với tài xế vận chuyển trong tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên ảnh hưởng tới mọi thứ từ dịch vụ ăn uống và bán lẻ tới vận chuyển hàng hóa và giao thông công cộng.
Con đường mới sẽ giảm bớt khí thải chứa carbon, theo Yuri Endo, quan chức phụ trách dự án ở Bộ Giao thông. “Chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận đường sá. Ý tưởng chủ chốt của đường tự động là tạo ra không gian bên trong mạng lưới đường cho vận tải hàng hóa, tận dụng hệ thống vận chuyển không người lái 24 giờ”, Endo chia sẻ.
Một video đồ họa do Chính phủ Nhật Bản chia sẻ cho thấy những container lớn trên kệ kê hàng, mỗi container có thể chở trọng lượng 1 tấn, di chuyển sát nhau dọc theo đường băng chuyền tự động ở giữa cao tốc, trong khi các phương tiện chạy theo chiều đối diện ở cả hai bên. Xe nâng tự động sẽ chất hàng hóa lên container nằm trong mạng lưới nối giữa sân bay, đường sắt và cảng biển. Các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2027 hoặc đầu năm 2028, con đường sẽ đi vào hoạt động đầy đủ giữa thế kỷ tới.
Băng chuyền khổng lồ được xây dựng giữa đường cao tốc, dọc theo các tuyến đường và đường hầm
Đây được coi là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ ngành logistics của Nhật Bản trong bối cảnh vận tải đường bộ của nước này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do thiếu tài xế xe tải.
Dù chưa có ước tính chính thức, đường băng chuyền giữa Tokyo và Osaka sẽ có chi phí 23,69 tỉ USD dựa trên số lượng đường hầm lớn. Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng để bao gồm nhiều nơi khác ở Nhật Bản. Tuy nhiên, con người vẫn cần vận chuyển hàng để giao tận nơi cho tới khi có thể sử dụng phương tiện không người lái.
Bộ Giao thông Nhật Bản ước tính, các đường băng chuyền vận chuyển hàng có thể thực hiện công việc của 25.000 tài xế xe tải mỗi ngày. Tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải ở Nhật Bản đang ngày càng nghiêm trọng. Các quy định mới có hiệu lực từ đầu năm nay giới hạn số giờ làm thêm của tài xế, nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động và giảm thiểu tai nạn. Tuy nhiên, chính những thay đổi này khiến số lượng lái xe hoạt động càng giảm. Đây được gọi là “vấn đề năm 2024” trong ngành giao thông Nhật Bản.
Dân số Nhật Bản đang tiếp tục giảm và tỷ lệ sinh thấp làm cho lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt, đặc biệt là trong ngành vận tải. Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Nomura cho thấy, nếu tình hình không thay đổi, năng lực vận tải của quốc gia này sẽ giảm 35% vào năm 2030. Các vùng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hiện khoảng 91% khối lượng vận tải trong nước của Nhật Bản được thực hiện bằng xe tải, tương đương 4,3 tỉ tấn hàng hóa mỗi năm. Việc phụ thuộc vào xe tải cho hầu hết các loại hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm tươi sống, như trái cây và rau quả, đã trở thành một vấn đề cấp bách. Đặc biệt, nhu cầu giao hàng qua các dịch vụ trực tuyến ở Nhật Bản đã tăng vọt từ sau đại dịch Covid-19, khi số hộ gia đình tham gia mua sắm trực tuyến tăng từ 40% lên hơn 60%.
Với những thách thức này, hệ thống băng chuyền tự động đang được kỳ vọng sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong ngành vận tải của Nhật Bản trong tương lai.
Theo Diễn đàn Vận tải Quốc tế (ITF) ước tính, vận tải hàng hóa liên quan đến thương mại gây ra hơn 7% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải liên quan đến vận tải.
Cũng theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ, Trung Quốc và EU là những quốc gia đứng đầu phát thải trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3%.
Thời gian vận chuyển lâu và quãng đường dài khiến ngành logistics khó sử dụng xe điện. Để giảm lượng CO2, các công ty vận tải đã sử dụng tàu cao tốc kết hợp với xe tải nhỏ.
Một quan chức thuộc Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cho rằng, hệ thống tự động này không chỉ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt tài xế mà còn góp phần giảm thiểu khí thải carbon do vận hành bằng năng lượng sạch. Trong một số điều kiện nhất định, hệ thống này dự kiến giảm lượng khí thải CO2 từ xe tải khoảng 1,5-3,8%/năm.
Băng chuyền logistics tự động được thiết kế để tận dụng tối đa không gian đường như lề cứng, dải phân cách và đường hầm bên dưới. Hàng hóa sẽ được vận chuyển tự động bằng xe điện, không người lái, nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động và cắt giảm khí thải tại Nhật Bản.
Hà My