Nhiệm vụ mới lấp đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu

Nhiệm vụ mới lấp đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu
7 giờ trướcBài gốc
Một kho dự trữ khí đốt ở Pháp. Ảnh AFP
Các nghị sĩ châu Âu hiện sẽ phải tiến hành đàm phán với Ba Lan, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu.
Nhiệm vụ dự trữ gồm những gì?
Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và trước cuộc khủng hoảng năng lượng, Liên minh châu Âu đã thông qua một quy định vào tháng 6 năm 2022, quy định các mức lấp đầy tối thiểu đối với các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm “nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung” trong mùa đông: các quốc gia châu Âu hiện phải đạt mức lấp đầy ít nhất 90% kho dự trữ khí đốt tự nhiên của họ, chậm nhất vào ngày 1 tháng 11 hằng năm (kể từ năm 2023, trong khi mục tiêu là 80% vào năm 2022).
Trong năm 2024, Liên minh châu Âu đã đạt mức lấp đầy kho dự trữ ở cấp độ toàn khối trước thời hạn 10 tuần.
Dung lượng lưu trữ hiện nay là bao nhiêu?
Tổng công suất lưu trữ khí đốt đang hoạt động của EU hiện đạt 105 tỷ mét khối (Gm³), theo bà Armelle Lecarpentier, chuyên gia kinh tế tại Cédigaz. Trong khi đó, mức tiêu thụ khí đốt của 27 quốc gia thành viên EU đạt 329 tỷ mét khối vào năm 2024. Theo Ủy ban châu Âu, lượng khí đốt lưu trữ có thể đáp ứng gần 30% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU trong mùa đông.
Về phía Pháp, nước này đạt “130 TWh công suất lưu trữ khí tự nhiên ngầm, tương đương với chưa đầy một phần ba mức tiêu thụ khí đốt hằng năm của quốc gia”, theo Ủy ban điều tiết năng lượng (CRE) — so với mức tiêu thụ khí đốt thô hàng năm là 361 TWh vào năm 2024. Trong tổng số đó, 100 TWh do Storengy khai thác, một công ty con của Engie, hiện đang vận hành 14 cơ sở lưu trữ khí đốt tại Pháp (7 cơ sở khác tại Đức và Vương quốc Anh), đây cũng là yếu tố giúp tập đoàn trở thành nhà vận hành lưu trữ khí đốt ngầm hàng đầu châu Âu.
Nghị viện châu Âu đề xuất gì?
Vì quy định hiện hành chỉ có hiệu lực đến cuối năm 2025, do đó, vào ngày 5/3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đề xuất gia hạn nghĩa vụ dự trữ khí đốt của EU đến cuối năm 2027 nhằm đảm bảo an ninh cung ứng năng lượng. Tuy nhiên, mức nghĩa vụ lấp đầy kho dự trữ hiện tại (90%) đang vướng nhiều tranh cãi, do tình hình trên các thị trường khí đốt đã có nhiều cải thiện – điều mà Ủy ban châu Âu cũng thừa nhận.
Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất mới của Ủy ban (với 425 phiếu thuận, 106 phiếu chống và 43 phiếu trắng), đồng thời đưa ra một số sửa đổi nhằm “xoa dịu căng thẳng trên thị trường khí đốt, vì việc đầu cơ xoay quanh mục tiêu phải đạt mức lấp đầy 90% trước ngày 1 tháng 11 mỗi năm, nghĩa vụ này đang làm tăng chi phí lấp đầy kho trong mùa hè”.
Các nghị sĩ cũng đề xuất hạ mức nghĩa vụ lấp đầy xuống còn 83% thay vì 90%, và mốc thời gian hoàn thành mục tiêu này sẽ nằm trong khoảng từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 1 tháng 12 mỗi năm.
Các nghị sĩ châu Âu cho rằng, các quốc gia thành viên cũng có thể “được phép sai lệch so với mục tiêu này với biên độ bốn điểm phần trăm trong trường hợp thị trường gặp điều kiện bất lợi, chẳng hạn như gián đoạn nguồn cung hoặc nhu cầu tăng cao”. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu có thể phê duyệt thêm một ngoại lệ bổ sung bốn điểm phần trăm “nếu những điều kiện thị trường bất lợi này vẫn tiếp diễn”.
Như vậy, trong những trường hợp đặc biệt, các quốc gia thành viên cần “bảo đảm rằng toàn bộ cơ chế linh hoạt và miễn trừ không khiến tổng mức lấp đầy thấp hơn 75%”, các nghị sĩ nhấn mạnh.
Hệ quả
Cụ thể, việc giảm mức lấp đầy kho dự trữ khí đốt 90% xuống còn 83% tương đương với việc giảm khối lượng khí đốt lưu trữ từ 94,5 tỷ mét khối (Gm³) xuống còn 87 tỷ mét khối, hoặc “từ 29% xuống 26% lượng tiêu thụ khí đốt của EU (tính theo dữ liệu năm 2024)”, theo bà Armelle Lecarpentier.
Tuy nhiên, những thay đổi liên tiếp có thể dẫn đến nhiều biến động: “Hoặc là quy định có hiệu quả và tiếp tục được duy trì, hoặc nếu chúng vô nghĩa thì sẽ phải hủy bỏ”, nhận định của ông Thierry Bros, giáo sư tại Sciences Po và chuyên gia về thị trường khí đốt. Ông cho rằng “thật ngớ ngẩn khi liên tục ban hành các quy định rồi lại bãi bỏ”, và rằng EU đang “bộc lộ nhiều khía cạnh yếu kém thông qua các thay đổi này […] Chúng ta đang để cho các nhóm vận động hành lang quyết định xem nên là 90% hay 83%”.
Khí đốt Nga sẽ thế nào?
Ủy ban châu Âu cũng đã trình bày vào ngày 6 tháng 5 một lộ trình mới nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, với mục tiêu từng bước loại bỏ hoàn toàn các nguồn nhập khẩu khí đốt còn lại từ Nga (bao gồm khí đốt qua đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng – LNG) vào cuối năm 2027. Các nghị sĩ châu Âu khẳng định rằng “việc ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt Nga là cần thiết và khả thi. Bên cạnh đó, tốc độ triển khai nhanh chóng kế hoạch này cũng sẽ góp phần tăng cường chủ quyền năng lượng và khả năng chống chịu trước các yếu tố địa chính trị của Liên minh”.
Tuy nhiên, như bà Armelle Lecarpentier đã chia sẻ, Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU trong năm 2024, với lượng cung ứng đạt 23 tỷ mét khối (Gm³). Ngoài ra, EU vẫn tiếp tục nhập khẩu 31 Gm³ khí đốt Nga qua đường ống. Tính tổng thể, khí đốt Nga vẫn “chiếm 14% nguồn cung khí đốt của châu Âu trong năm 2024” (8% qua đường ống và 6% dưới dạng LNG).
Tác động đối với giá khí đốt
Liên quan đến lộ trình của Ủy ban châu Âu, bà Armelle Lecarpentier lưu ý rằng: “Một đề xuất pháp lý sẽ được ban hành vào tháng 6, kế hoạch này cần được thực hiện dần và sẽ có những thách thức pháp lý nhất định”. “Mục tiêu ban đầu là chấm dứt các hợp đồng giao ngay chậm nhất vào cuối năm 2025, sau đó là toàn bộ các hợp đồng dài hạn vào năm 2027”.
Việc này sẽ có tác động đáng kể đến giá cả: “Những tuyên bố này làm gia tăng căng thẳng trên thị trường LNG vào năm 2025 (liên quan đến việc tiếp cận nguồn cung LNG của Mỹ để thay thế khí đốt Nga), do đó sẽ đẩy giá lên cao”. Tuy nhiên, theo bà Armelle Lecarpentier, tình hình trong dài hạn vẫn còn nhiều “bất định”.
Ông Thierry Bros lại cho rằng: “Hãy để thị trường tự giải quyết vấn đề nguồn cung”. “Hoặc áp lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga (với nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới), hoặc hãy chấm dứt những lời bình luận mang tính đạo lý từ các chính trị gia”. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Giá khí đốt tăng cao từ năm 2021 đến nay đã thúc đẩy sự ra đời của các nguồn sản xuất LNG mới, do đó, cán cân cung – cầu sẽ dần ổn định trở lại”.
Anh Thư
AFP
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/nhiem-vu-moi-lap-day-kho-du-tru-khi-dot-cua-chau-au-727631.html