Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Daegu, Hàn Quốc, ngày 31/7/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Giám đốc Copernicus, ông Carlo Buontempo cho biết tình trạng nóng lên không ngừng thực sự là điều đáng lo ngại. Ông nhấn mạnh theo các nguồn dữ liệu cho thấy chính sự gia tăng liên tục của khí nhà kính trong khí quyển đã kéo theo một chuỗi tăng nhiệt liên tục ở mức kỷ lục, thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu một cách nhanh chóng.
Giám đốc của Copernicus đã bổ sung các yếu tố khác cũng khiến 2 năm nóng kỷ lục xuất hiện liên tiếp nhau như hiện nay. Những yếu tố này bao gồm El Nino - sự nóng lên tạm thời của một số vùng ở Thái Bình Dương làm thay đổi thời tiết trên toàn thế giới – và các vụ phun trào núi lửa “bơm” hơi nước nóng vào không khí cũng như sự thay đổi nhiệt lượng từ mặt trời.
Ông và các nhà khoa học khác cũng cho biết sự gia tăng nhiệt độ trong thời gian dài vượt quá tác động của El Nino là một dấu hiệu xấu. Ông Zeke Hausfather, một nhà khoa học nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth bày tỏ lo lắng bởi chỉ một sự kiện El Nino mạnh thoáng qua đã như vậy thì sẽ không biết như thế nào trong khoảng một thập kỷ tới.
Chủ tịch của Copernicus chỉ ra rằng việc vượt quá ngưỡng nóng lên 1,5 độ C đi ngược với mục tiêu được các nước thông qua trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Mục tiêu này của Liên hợp quốc nhằm cố gắng hạn chế mức nóng lên chỉ ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Xem video của NASA hiển thị hình ảnh thể hiện nhiệt độ tăng trong giai đoạn 1880 - 2023 và sự tăng lên của khí CO2 trong khí quyển giai đoạn 2002 - 2019. Nguồn: Reuters
Một báo cáo của Liên hợp quốc năm nay cho biết kể từ giữa những năm 1800, trung bình thế giới đã nóng lên 1,3 độ C, tăng so với ước tính trước đó là dao động quanh mức 1,1 – 1,2 độ C. Điều này cho thấy tốc độ nóng lên toàn cầu đang ngày càng tăng nhanh hơn so với quá khứ. Một điều đáng lo ngại khác là việc Liên hợp quốc cho biết các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đủ mức để duy trì mục tiêu tăng không quá 1,5 độ C.
Mục tiêu được lựa chọn ở ngưỡng 1,5 độ C nhằm cố gắng ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, bao gồm cả thời tiết khắc nghiệt. Natalie Mahowald, Chủ tịch khoa Khoa học Trái Đất và khí quyển của Đại học Cornell cho biết: "Những đợt nắng nóng, thiệt hại do bão và hạn hán mà chúng ta đang trải qua hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann của Đại học Pennsylvania nhận định vượt qua con số trên vào năm 2024 không có nghĩa là xu hướng chung của tình trạng nóng lên toàn cầu đã thay đổi và "nếu không có hành động chung, điều đó sẽ sớm xảy ra".
Nhà khoa học khí hậu Rob Jackson của Đại học Stanford giải thích thêm: “Tôi nghĩ chúng ta đã bỏ lỡ ngưỡng 1,5 độ C”. Ông Jackson, người chủ trì Dự án carbon toàn cầu - một nhóm các nhà khoa học theo dõi lượng khí thải CO2 của các quốc gia - cho biết “có quá nhiều sự nóng lên”.
Nhà khí hậu học Beth Hall của tiểu bang Indiana cho biết bà không ngạc nhiên về báo cáo mới nhất của Copernicus, nhưng nhấn mạnh mọi người nên lưu tâm rằng khí hậu là vấn đề toàn cầu vượt ra ngoài những trải nghiệm cục bộ của họ về thay đổi thời tiết. Bà cho biết “Chúng ta có xu hướng bị cô lập trong thế giới riêng của mình”.
Chủ tịch của Copernicus nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi toàn cầu, trong đó có sự hợp tác quốc tế, cho phép các nhà khoa học tin tưởng vào phát hiện của báo cáo mới. Kết quả công bố trên của Copernicus có được từ kết quả của hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu thuyền, máy bay và các trạm thời tiết trên khắp thế giới.
Ông Carlo Buontempo cho biết thêm việc vượt qua ngưỡng chuẩn 1,5 độ C trong năm nay là thông tin “quan trọng về mặt tâm lý” khi các quốc gia đưa ra quyết định nội bộ và tham gia các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 từ ngày 11 - 22/11 tại Azerbaijan sắp tới.
Ông nói: “Rõ ràng, quyết định là của chúng ta" và "những quyết định này sẽ tốt hơn nếu chúng dựa trên bằng chứng và sự thật.”
Kết quả theo dõi trên được đưa ra ngay sát những mốc quan trọng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, trước đó một ngày, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump được bầu làm vị tổng thống tiếp theo của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã gọi biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp” và hứa sẽ thúc đẩy hoạt động khoan và sản xuất dầu.
Thông tin này cũng xuất hiện trước chỉ vài ngày khi Hội nghị COP29 bắt đầu tại Azerbaijan. Tại đây, lãnh đạo các quốc gia tập trung thảo luận cách thức “tạo ra” hàng nghìn tỷ USD giúp thế giới chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời nhằm tránh tình trạng nóng lên liên tục.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Nguồn AP)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nhiet-do-trai-dat-tang-ky-luc-cham-nguong-canh-bao-20241107150432697.htm