Nhiều bài học vẫn không đủ sức răn đe?

Nhiều bài học vẫn không đủ sức răn đe?
10 giờ trướcBài gốc
SHB.Đà Nẵng và Bình Định, chưa chắc ai sẽ rớt hạng.
Mới nhất, cùng với V.League và Giải hạng Nhất 2024-2025 bước vào giai đoạn cuối quyết định, nổ ra việc Câu lạc bộ (CLB) Phú Thọ bị FIFA chỉ đích danh “thao túng một số trận đấu”. VFF loại Phú Thọ từ Giải hạng Nhì xuống hạng Ba, nhưng ngay từ đầu năm 2025, FIFA đã yêu cầu CLB Phú Thọ cung cấp thông tin, tức “vấn đề” đã xảy ra ở Giải hạng Nhất 2023-2024, mùa giải mà CLB Phú Thọ rớt hạng khi thua 16 trận, hòa 3, thắng 1, sau 20 vòng đấu.
Cục Thể dục - thể thao Việt Nam có công văn gửi VFF chỉ đạo phòng chống tiêu cực trong phần còn lại của mùa giải 2024-2025, yêu cầu “chủ động phối hợp với Bộ Công an dự báo và có biện pháp ngăn ngừa các trận đấu có thể xảy ra dàn xếp tỷ số làm ảnh hưởng đến thành tích của các CLB”. VFF cũng chỉ đạo xuống VPF và Ban tổ chức giải đấu: siết chặt công tác trọng tài và điều hành trận đấu, tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các trận đấu; đánh giá, dự báo tình hình từng lượt trận. Các CLB tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi dàn xếp tỷ số; phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực…
Phải nói, cùng với ngày càng chuyên nghiệp và kinh phí nuôi đội bóng ngày càng quá lớn, “bóng đá trên bàn” những năm qua đã được hạn chế rất nhiều, nhưng vẫn có những trận đấu để lại nghi vấn. Như ở V.League 2023, đến tận vòng 15, B.Bình Dương vẫn không có nổi một chiến thắng và đứng trên bờ vực rớt hạng. Nhưng đến vòng 16, chiến thắng 1-0 trên sân SLNA đã mở ra cơ hội trụ hạng cho B.Bình Dương. Năm đó, SHB.Đà Nẵng rớt hạng khi CLB TP.HCM và B.Bình Dương hòa nhau trong trận đấu mà chẳng bên nào muốn tấn công, để cùng nhau ở lại V.League.
Sau chiến thắng trên sân Quảng Nam ở vòng 18, huấn luyện viên Bùi Đoàn Quang Huy của Bình Định cảnh báo: “Cần một sự công bằng và minh bạch cho giải đấu, đừng vì thứ hạng của một đội nào đó mà đánh mất sự công bằng”.
Thực tế, V.League mùa nào cũng “nóng” ở những vòng cuối với những dư luận xì xào khi một đội đang đua trụ hạng (tấm vé tính bằng chục tỷ đồng) gặp đội đã an toàn, không còn mục tiêu, kết quả có lợi thường sẽ nghiêng về đội cần điểm.
Vì nhiều lý do, VFF và VPF “nhắm mắt” trước tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng ở cùng hạng đấu. Tuy chưa để lại điều tiếng nhưng “bầu” Hiển ngoài Hà Nội FC, còn là nhà tài trợ chính của SHB.Đà Nẵng và Quảng Nam. Và dù rút khỏi các chức danh chính thức, ông cũng không giấu giếm điều đó khi mới đây, sau trận Hà Nội FC thắng Quảng Nam 2-1 trên sân Hàng Đẫy ở vòng 20 V.League, ông đã xuống sân “thưởng”… đội khách 500 triệu đồng. Trước đó, ở vòng 6, ông cũng xuống sân Hàng Đẫy “động viên” 300 triệu đồng cho… SHB.Đà Nẵng sau trận thua CAHN 0-3.
Mùa này, càng phức tạp hơn khi nhà tài trợ chính của V.League LPBank cũng đứng sau HAGL, CAHN, CLB TP.HCM; còn ở Giải hạng Nhất thì “bầu” Thụy ngoài là “ông chủ” của đội bóng Ninh Bình, đã “cứu vớt” tài chính với gần một nửa số đội mang tên nhà tài trợ LPBank trước hoặc sau lưng áo.
Đáng nói hơn, nếu không có “bóng đá trên bàn” giữa các “ông chủ”, lãnh đạo đội bóng thì tiêu cực lại đến từ tệ nạn cá cược trên mạng. Cầu thủ của các đội đã hoàn thành mục tiêu trụ hạng và không tranh chấp danh hiệu, tự mình “bắt kèo”, không chỉ đội nhà thua, mà còn thua bao nhiêu, “tài” hay “xỉu” (!). Sự việc CLB Phú Thọ bị phanh phui đến từ kết quả điều tra độc lập của FIFA chứ không phải từ VFF, VPF. Các tổ chức quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam nghĩ gì?
Minh Chung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/the-thao/202505/nhieu-bai-hoc-van-khong-du-suc-ran-de-b4205d7/