Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng khẳng định các hóa đơn và phiếu tư vấn có liên quan đến nhãn hiệu sữa này đều là giả mạo. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày 22/4 lên tiếng cảnh báo về hình thức mạo danh bệnh viện sản xuất và bán thuốc giả gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Nữ bệnh nhân trẻ tuổi bị mụn trứng cá, đến một spa ở Hà Nội và được kê dùng loại dung dịch, trên nhãn đề sản phẩm của Bệnh viện Da liễu Trung ương. Dùng một thời gian, do hiệu quả điều trị không đạt như kỳ vọng và quảng cáo của spa, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, không quên cầm theo lọ "thuốc" đã mua.
Tiếp nhận lọ "thuốc", bác sĩ khẳng định Bệnh viện Da liễu Trung ương không sản xuất sản phẩm nào như vậy. Ngoài ra, bệnh viện chỉ khám, điều trị và bán thuốc trực tiếp tại quầy thuốc của bệnh viện.
Không chỉ bị mạo danh làm thuốc giả, không ít bệnh viện cũng lên tiếng vì bị mạo danh để tư vấn, bán sữa hay kêu gọi từ thiện.
Ngày 22/4, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết đã phát hiện fanpage giả mạo lấy danh nghĩa bệnh viện để đăng tải thông tin sai sự thật, kêu gọi ủng hộ từ thiện trái phép, có dấu hiệu lừa đảo.
Trong dòng trạng thái được đăng tải lên fanpage này, người viết ghi: "Đây cũng là lần hiếm hoi duy nhất Bệnh viện Nhi Hà Nội đứng ra kêu gọi quyên góp".
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Hà Nội khẳng định fanpage giả mạo này không thuộc quyền quản lý của đơn vị. Mọi hoạt động kêu gọi chuyển khoản, ủng hộ từ fanpage giả mạo đều là hành vi lừa đảo. Việc tổ chức các hoạt động an sinh xã hội được thông báo trên fanpage chính thức của phòng Công tác xã hội thuộc bệnh viện.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng cho biết gần đây ghi nhận một số phản ánh về việc xuất hiện nhiều trang giả mạo bệnh viện đăng tin tuyển dụng.
Các thông báo của fanpage này đăng bệnh viện tuyển dụng nhiều vị trí như dược sĩ, điều dưỡng viên, bác sĩ, nhân viên kế toán, thư ký ban giám đốc, trợ lý giám đốc...
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định chỉ nhận hồ sơ ứng tuyển trực tiếp tại bệnh viện, chỉ thu phí tuyển dụng (nếu có) trực tiếp tại bệnh viện và có biên lai đầy đủ. Bệnh viện tuyệt đối không yêu cầu ứng viên chuyển khoản hoặc nộp tiền qua bất kỳ hình thức trung gian nào.
Đồng thời, cơ sở này cho biết không yêu cầu thí sinh tham dự các cuộc họp online hoặc bấm vào các link lạ.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng ngày 22/4 cho biết trang fanpage của viện nhận được phản ánh của bạn đọc về việc có nhiều bài đăng cho rằng bệnh viện đã tư vấn và bán sữa mang nhãn hiệu Pri... cho bệnh nhân.
Khẳng định "thông tin này là hoàn toàn sai sự thật", bệnh viện "nghi ngờ đây là hành vi lợi dụng danh tiếng của bệnh viện để trục lợi cá nhân".
Theo đó, bệnh viện tuyệt đối không kê đơn và không cung cấp bất kỳ sản phẩm sữa nào mang nhãn hiệu trên đây. Tất cả hóa đơn và phiếu tư vấn có liên quan đến nhãn hiệu sữa này đều là giả mạo. Chữ ký và con dấu trên các tài liệu giả mạo đó không phải là của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
(Theo VietNamNet)