Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025
6 giờ trướcBài gốc
Tăng mức hỗ trợ học sinh vùng khó khăn
Hiệu lực từ 1/5, Nghị định 66/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và người trong diện hưởng chính sách.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, trẻ em học bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa 360.000 đồng/tháng, thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học. Học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng, tăng khoảng 20% so với hiện nay.
Nếu học sinh và học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí được trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc được hỗ trợ 360.000 đồng.
Ngoài ra, học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo. Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 được hưởng thêm một tháng các chính sách trên.
Học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với kinh phí 1,08 triệu đồng. Mỗi năm học, học sinh được cấp hai bộ quần áo đồng phục và vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với kinh phí 1,08 triệu đồng.
Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp Tết Nguyên đán.
Quy định về mức bồi dưỡng giám định tư pháp
Ngày 4/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Đối tượng áp dụng theo quy định của Quyết định này gồm: a) Người được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp.
Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên và những người khác hỗ trợ cho người giám định tư pháp, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định và do thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định; cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
Quyết định cũng quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công. Theo đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: Kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; nông nghiệp và môi trường; khoa học và công nghệ; công thương; tư pháp và các lĩnh vực khác mà không thuộc quy định tại Điều 3 Quyết định này.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.
Quyết định số 08/2025 của Thủ tướng chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025.
Sửa đổi quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định điều kiện, thủ tục mua cổ phần, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài, tỉ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật thì phải tuân thủ các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định này khi mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các khoản 6, 6a Điều này hoặc trong thời gian thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 14 Nghị định này. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 19/5/2025.
Tăng mức công tác phí cho cán bộ, công chức
Thông tư 12/2025 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 4/5. Trong đó, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị.
Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác là 300.000 đồng/ngày, tăng 100.000 đồng/ngày so với quy định hiện nay. Trường hợp đi công tác trong ngày, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi trong ngày, quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/người/ngày, tăng 150.000 đồng so với hiện nay. Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
PV
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-5-2025-d58056.html