Nhiều cơ hội cho trái sầu riêng

Nhiều cơ hội cho trái sầu riêng
2 ngày trướcBài gốc
Sầu riêng Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: TIẾN ANH)
Tổng Thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên cho biết: Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản… là những thị trường nhập khẩu chính của sầu riêng Việt Nam.
Theo đó, Trung Quốc dẫn đầu với hơn 90% tổng kim ngạch. Tính riêng 11 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập hơn 2,8 tỷ USD sầu riêng từ Việt Nam, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD, tăng tới 82% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường Hồng Kông, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm 2023. Có thể nói, năm 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng, góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 7,2 tỷ USD.
Năm 2025, xuất khẩu sầu riêng được dự báo tiếp tục tăng trưởng khi các doanh nghiệp đã có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện theo quy định của nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ). Việc xuất khẩu các sản phẩm này sẽ giúp doanh nghiệp và người trồng tận dụng cao nhất nguồn nguyên liệu, nhất là với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã để xuất khẩu tươi, từ đó gia tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, lượng tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc chiếm 91% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới vào năm 2023, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này. Tính riêng trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, trị giá gần 6,68 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Do đó, dư địa cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Hiện, sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, là lợi thế để ổn định nguồn cung xuất khẩu. Điều quan trọng là Việt Nam cần bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh với sầu riêng đến từ các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc như Thái Lan, Malaysia, Philippines…
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, để bảo vệ thị phần của mình, Thái Lan đang tập trung vào việc tăng cường kiểm soát chất lượng và các tiêu chuẩn, giải quyết các vấn đề như sầu riêng mềm và tình trạng sâu bệnh. Việc đổi mới các giống sầu riêng mới phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng cũng mang lại cho sầu riêng Thái Lan lợi thế cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã giảm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển đối với sầu riêng Thái Lan, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi đó, từ cuối quý III/2024, Malaysia cũng đã chính thức xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trước đó nước này chủ yếu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, thị phần sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc sẽ có thêm sự cạnh tranh rõ nét từ năm 2025.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sầu riêng trên cả nước hiện khoảng 155.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 720.000 tấn. Với năng suất bình quân vườn sầu riêng kinh doanh khoảng 17 tấn/ha/năm, nhiều vườn đạt 25-30 tấn/ha; trong tình hình thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán ở mức cao nhiều năm liền như hiện nay, cây sầu riêng đã và đang cho thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng khác.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra hiện tượng phát triển nóng về diện tích, nguy cơ dẫn đến hậu quả như cung vượt cầu, ảnh hưởng năng suất, chất lượng sầu riêng, từ đó tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của năm 2024 và tiếp tục bứt phá trong năm 2025, các địa phương trồng chủ lực cần xác định quy mô vùng sản xuất tập trung trong phương án quy hoạch; gắn phát triển vùng trồng với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.
Các địa phương cần tổ chức sản xuất sầu riêng theo định hướng về quy mô, địa bàn, giảm tình trạng phát triển tự phát, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô. Đồng thời rà soát xây dựng, ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn liên quan quản lý giống, sản phẩm sầu riêng.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng, triển khai chương trình khuyến nông trọng điểm cho cây sầu riêng về canh tác, thiết lập vùng trồng, liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ưu tiên các nội dung như: ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hái tiên tiến theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, công nghệ số, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu…
THÙY ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhieu-co-hoi-cho-trai-sau-rieng-post854198.html