Ông Nguyễn Đức Lam - Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS).
Ứng dụng AI xuất phát từ nhu cầu thực tế
Báo cáo Đánh giá nhanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) công bố hồi cuối tháng 4/2025 cho thấy, cơ quan nhà nước ở Việt Nam đang bước đầu áp dụng công nghệ AI để cải thiện hiệu quả hoạt động, tính minh bạch và cung cấp dịch vụ công.
Theo đó, AI đang được tích hợp vào các hoạt động của Chính phủ, bao gồm tự động hóa quy trình, phân tích dữ liệu, hỗ trợ quyết định; cung cấp dịch vụ công như giao thông công cộng, chăm sóc sức khỏe, thủ tục hành chính; tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân. Một số ứng dụng AI đã được triển khai tại các cơ quan trung ương như Trợ lý ảo cho thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao, Trợ lý ảo cho công chức của Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây); giải pháp AI giúp bóc băng phát biểu của đại biểu Quốc hội tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với làm thủ công. AI được ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh...
“Thực tế cho thấy, ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian, giúp công chức có thời gian tập trung vào những công việc giá trị cao hơn” - ông Nguyễn Đức Lam, một thành viên nhóm nghiên cứu báo cáo đánh giá.
Ví dụ, báo cáo cho thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã sử dụng Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, người dân. Thời điểm đầu năm 2025, Trợ lý ảo đã cơ bản hoàn thành, cung cấp 3 chức năng chính, bao gồm hỗ trợ rà soát, phát hiện các mâu thuẫn thẩm quyền về hình thức; Kiểm tra về hiệu lực của các văn bản căn cứ và văn bản tham chiếu trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tìm kiếm theo nội dung các điều, khoản, điểm, các văn bản quy phạm pháp luật (nhưng chưa áp dụng).
Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân được thử nghiệm từ tháng 4/2024, đã hoàn thành chức năng hỗ trợ người dân hỏi đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ (nhưng chưa đưa vào áp dụng trên thực tế). Hiện Trợ lý ảo này đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, tập trung giải quyết bài toán hỏi đáp kiến thức trong các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ.
Tỉnh Tây Ninh cũng đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật các ứng dụng AI trong hệ thống phản ánh kiến nghị, tự động phân loại và chuyển xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; Quản lý tổng hợp dữ liệu từ các hệ thống thông tin chuyên ngành, phân tích đánh giá đưa ra báo cáo; AI còn được dùng để đánh giá KPI cho từng cán bộ, công chức.
Tỉnh này cũng đã hoàn thiện và đang bắt đầu quy trình, thủ tục để triển khai Trợ lý ảo hỗ trợ công chức trong soạn thảo văn bản, tự động sửa lỗi chính tả, ngữ pháp; Tích hợp với hệ thống quản lý văn bản của tỉnh để tự động tổng hợp ý kiến góp ý, báo cáo tổng hợp. Đáng chú ý là bản thử nghiệm trợ lý ảo được xây dựng dựa trên mô hình mã nguồn mở miễn phí của Google, phiên bản phù hợp với hạ tầng tính toán hiện có.
Ứng dụng AI trong giám sát giao thông đã được sử dụng khá nhiều.
Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát, camera giao thông tích hợp AI đang được áp dụng rộng rãi ở Tây Ninh. Nhờ AI, các camera này có thể nhận diện biển số xe, khuôn mặt, theo dõi hành vi bất thường và hỗ trợ nhanh chóng khi có sự cố; cho phép tích hợp nhiều loại camera khác nhau vào hệ thống, đáp ứng tiêu chuẩn Thông tư 75/2020/TT-BCA. Dữ liệu từ các camera được truyền tập trung về Trung tâm tích hợp dữ liệu, sau đó được phân quyền và chia sẻ tài khoản cho các đơn vị cùng vận hành khai thác.
Hoặc từ năm 2022, Tòa án nhân dân tối cao đã bước đầu xây dựng và triển khai thí điểm Trợ lý ảo dựa trên mô hình AI truyền thống trước đây để hỗ trợ các thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đến cuối năm 2024 đã có hơn 16 nghìn tài khoản đăng ký sử dụng Trợ lý ảo; trong năm 2024 có hơn 6 triệu lượt hỏi đáp; 40.568 câu hỏi tình huống và trả lời gửi về ban biên tập để phục vụ huấn luyện Trợ lý ảo.
Ông Lam cho rằng, các trường hợp thành công trong ứng dụng AI vào các cơ quan nhà nước đã chứng minh, cách tiếp cận xuất phát từ nhu cầu thực tế và các nguồn lực sẵn có, có thể tránh được việc theo đuổi trào lưu công nghệ, thường dẫn đến các ứng dụng không hiệu quả hoặc quá tham vọng. “Việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam dù chưa nhiều nhưng cho thấy, đó không chỉ là phản ứng với các xu hướng toàn cầu, mà còn là một động thái để hợp lý hóa quản trị, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ” - ông Lam nhận định.
Cần cải thiện nhiều vấn đề khi sử dụng AI
Những kết quả ban đầu đã cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua quá trình thu thập báo cáo, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc ứng dụng AI trong cơ quan nhà nước cũng bộc lộ một số vấn đề đáng quan tâm như phạm vi, quy mô ứng dụng chưa nhiều; chưa xác định đúng nhu cầu, chưa sát thực tế, còn thiếu hiệu quả; chưa quan tâm đến các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư, AI có đạo đức.
Bên cạnh đó, phạm vi ứng dụng còn hẹp, việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam mới chỉ ở những bước đầu tiên, ít về số lượng giải pháp AI cũng như phạm vi, quy mô ứng dụng. Việc ứng dụng đang dừng ở cấp độ những giải pháp AI riêng lẻ cho những nhiệm vụ cụ thể của cơ quan nhà nước, chứ chưa trở thành tầm nhìn, chiến lược chung của cơ quan, chưa được tích hợp vào hoạt động của cơ quan, mang tính chuyển đổi sang một mô hình hoạt động khác.
Hầu hết các giải pháp AI đều là trợ lý ảo, chatbot tổng hợp, tìm kiếm thông tin; Chưa có các ứng dụng AI vào các lĩnh vực khác nhau như các nước đã sử dụng như phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định, cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, dự báo thiên tai, phòng ngừa, phân tích tội phạm...
Ứng dụng chưa sát thực tế cũng là một vấn đề được nhóm nghiên cứu đưa ra. Theo đó, những trường hợp ứng dụng AI chưa thành công cho thấy, ở mức độ nhất định, việc ứng dụng AI đang có xu hướng theo đuổi trào lưu công nghệ như AI tạo sinh, dẫn đến việc xây dựng các ứng dụng thiếu hiệu quả hoặc đặt mục tiêu quá cao.
Trợ lý ảo do Tòa án nhân dân tối cao sử dụng đã trả lời hơn 6 triệu lượt hỏi đáp trong năm 2024. (Ảnh: Viettel)
“Những ứng dụng AI như vậy chưa sát với năng lực con người, dữ liệu, hạ tầng tính toán của cơ quan, của ngành. Hơn nữa, mặc dù đã xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, nhưng cơ quan chưa xác định được “bài toán” cụ thể để thiết kế công cụ AI phù hợp” - ông Lam nói và nêu ví dụ: “như nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là rà soát, đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với các văn bản hiện hành, nhưng đơn vị phụ trách việc xây dựng ứng dụng AI chưa xác định được các tiêu chí cụ thể của “chồng chéo, mâu thuẫn” về mặt nội dung để doanh nghiệp công nghệ xây dựng ứng dụng AI tương ứng”.
Ngoài ra, các vấn đề về kiểm soát rủi ro, AI có trách nhiệm cũng chưa được chú ý. Cụ thể, việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước tiềm ẩn những rủi ro như quá phụ thuộc vào máy, thiếu nhân văn, dẫn đến những quyết định sai lầm. Chẳng hạn như áp dụng các hình phạt dựa trên AI một cách máy móc, bỏ qua những sự việc, yếu tố khác. Hoặc xâm phạm dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân là một rủi ro hiện hữu, chẳng hạn camera AI nơi công cộng, dữ liệu liên quan đến sức khỏe công dân, tình trạng kinh tế.
Chưa kể, rủi ro về tính minh bạch, giải trình, khi nhiều mô hình AI vận hành như “hộp đen”, cần minh bạch hóa các quyết định. Rủi ro về công bằng và bình đẳng, vì hệ thống AI có thể dẫn đến thiên kiến do dữ liệu, quá trình huấn luyện, người làm/triển khai AI, quy trình ra quyết định. Nhất là việc thu thập dữ liệu lớn và sử dụng chúng lâu dài có thể dẫn đến những lo ngại về những mặt trái, làm nảy sinh những vấn đề đạo đức và pháp lý.
Nhật Thu