Nhiều cuộc đời được hồi sinh ngoạn mục sau ghép phổi

Nhiều cuộc đời được hồi sinh ngoạn mục sau ghép phổi
2 giờ trướcBài gốc
Hồi sinh dù cơ hội mong manh
Ngày 23/9, một cuộc gặp gỡ đặc biệt của 3 người được ghép phổi vẫn sống khỏe mạnh đã diễn ra tại BV Phổi Trung ương.
Các cuộc ghép phổi thành công đang mang lại cuộc sống mới cho các bệnh nhân mắc bệnh phổi nguy kịch. (Ảnh: TL).
Chị Trịnh Thị Hiền (quê Bắc Ninh) là bệnh nhân được ghép phổi thành công mới nhất tại bệnh viện. Chị Hiền nhận phổi hiến từ người cho chết não, được điều phối tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 2/4.
Trước ghép, khoảng đầu năm 2024, chị Hiền xuất hiện cảm giác tức ngực khó thở, sau đó đi khám đã phát hiện tràn dịch màng phổi. Điều trị tại địa phương ít tiến triển, gia đình đưa chị lên khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Anh Nguyễn Minh Hạnh (chồng chị Hiền) chia sẻ: "Gia đình sốc khi biết vợ tôi ngoài tràn dịch màng phổi nặng, còn mắc một bệnh hiếm gặp là bệnh LAM. Khi đó bác sĩ cho biết có 2 phương án can thiệp, một là vá lại phổi nhưng phương pháp này chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu hoạt động quá công suất lá phổi. Phương pháp còn lại là ghép phổi. Nhưng cơ hội này rất mong manh".
Điều may mắn đến trong thời gian mong chờ cơ hội, chị Hiền nhận được thông tin có lá phổi hiến từ người cho chết não. Và ngay sau đó, ca ghép phổi đã diễn ra thành công.
Theo TS. BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân Trịnh Thị Hiền có bệnh nền rất phức tạp, đặt ra những thách thức với các thầy thuốc trong việc ghép tạng. Ngay cả khi ghép xong, bệnh nhân đối mặt tình trạng phổi trái chưa tiếp nhận máu và dinh dưỡng, khó có thể "sống" được. Phương án đặt ra là có thể phải cắt một lá phổi trái. Tuy nhiên, kiên định với quyết định "còn tia hy vọng nào cũng cố, cứ để lại lá phổi trái" cùng với nỗ lực điều trị của cả ê-kíp đã giúp cho lá phổi trái của chị Hiền trở lại với chức năng hoạt động bình thường. Khi 2 lá phổi ổn định, các bác sĩ cho người nhà vào chăm sóc chị Hiền, động viên tinh thần để người bệnh hồi phục nhanh hơn.
Trước chị Hiền còn có 2 bệnh nhân cũng được ghép phổi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Đó là ông Nguyễn Xuân Toại (Thanh Hóa) được ghép từ năm 2020. Ông Toại hạnh phúc chia sẻ: "Giờ cuộc sống sinh hoạt bình thường hơn xưa, cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi còn được chứng kiến con trai tôi cưới vợ, đấy là một niềm hạnh phúc. Tôi mong có nhiều người được cứu sống như tôi và mong các y, bác sĩ khỏe mạnh để giúp được nhiều người như tôi".
Còn với Nguyễn Anh Thư, cô sinh viên trường ĐH Công nghệ Thông tin và truyền thông Thái Nguyên, ca ghép phổi vào đúng ngày 30 Tết vừa qua đã mang lại cho cô một cuộc đời mới. "Gia đình em đã nghĩ cái Tết năm 2024 là cái Tết cuối cùng em có mặt trên cuộc đời này. Nhưng giờ đây, hai lá phổi đang sống khỏe mạnh trong lồng ngực, em đã được thở, được sống, được quay trở lại trường, tiếp tục thực hiện ước mơ cuộc đời mình".
Sau gần 8 tháng ghép phổi, Thư đã trở với cuộc sống bình thường, tiếp tục con đường học vấn của mình.
Hi vọng sẽ thêm nhiều ca ghép phổi
TS.BS Đinh Văn Lượng chia sẻ: Sự thành công của các ca ghép phổi vừa qua tại bệnh viện là sự phối hợp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép phổi tại Việt Nam và sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ. Đây là dấu mốc quan trọng, bước tiến quan trọng của y học nước nhà. Tôi rất cảm động khi nhìn thấy các bệnh nhân khỏe mạnh.
Theo BS Lượng, "mỗi năm trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não; trong đó, tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Hiện, Việt Nam có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến. Với quy trình ghép phổi đạt tiêu chuẩn như những nước tiên tiến trên thế giới, giờ chúng ta mới bắt đầu bằng con số 1, 2, 3 nhưng tương lai, chúng ta sẽ tiến hành nhiều ca ghép phổi thành công hơn nữa, giúp cho nhiều người bệnh hồi sinh.
Tại Việt Nam, số ca ghép phổi còn hạn chế so với ghép gan, ghép thận, ghép tim. Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, khó cả về nguồn phổi hiến và người nhận phổi.
Theo các chuyên gia y tế, để có phổi ghép cần phải lấy phổi từ người cho chết não. Khác với ghép gan, ghép thận có thể được lấy từ người cho sống, thì việc ghép phổi thường không chỉ định bởi rất phức tạp và nguy hiểm.
Trong khi đó, số người chết não hiến tạng ở Việt Nam chưa nhiều. Một người chết não có thể hiến cả 2 thận, gan, tim, nhưng với phổi, chỉ khoảng 20% số người hiến có thể lấy phổi, do kỹ thuật hồi sức và bảo quản phổi có những khó khăn hơn nhiều so với các tạng khác.
Vũ Vũ
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/nhieu-cuoc-doi-duoc-hoi-sinh-ngoan-muc-sau-ghep-phoi-192240923133839794.htm