Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đánh giá, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một luật lớn, có vai trò quan trọng trong điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và VNPT nói riêng.
Đề xuất tạo thuận lợi khi cho vay công ty con, tăng vốn điều lệ
Theo ông Nguyễn Đình Danh, Luật trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm; mở rộng tối đa thẩm quyền của doanh nghiệp ở hầu hết các nội dung. Các nghị định quy định chi tiết một số nội dung của Luật số 68 được xây dựng rất gấp để đáp ứng yêu cầu đồng bộ về thời điểm có hiệu lực với Luật nhưng cũng bao quát được gần như đầy đủ, chi tiết các vấn đề mà Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đông đảo đại diện các tổng công ty, tập đoàn nhà nước tham gia và đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.L.
Đóng góp về dự thảo Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn Viettel cho biết, doanh nghiệp đã có ý kiến gửi Bộ Tài chính, trong đó có nội dung về điều kiện để công ty mẹ (F1) cho công ty con (F2) vay vốn theo Luật số 68.
Theo đại diện Viettel, quy định cho phép F1 cho F2 vay vốn trong Luật số 68 xuất phát từ thực tiễn nhiều doanh nghiệp F2 gặp khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng, đó là tình huống hỗ trợ trong một hệ sinh thái chung của tập đoàn. Tuy nhiên, tại Điều 22 của dự thảo Nghị định, các điều kiện để F1 cho F2 vay vốn lại khó khả thi.
"Dự thảo yêu cầu F2 phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có nợ quá hạn, có phương án vay vốn khả thi, hiệu quả và có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật dân sự. Chúng tôi cho rằng, nếu F2 đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện này thì có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng mà không cần vay vốn từ công ty mẹ" - đại diện Viettel bày tỏ.
Vì vậy, đại diện Viettel đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng giữ nguyên tinh thần của Luật số 68, cho phép F1 chủ động quyết định cho F2 vay vốn trên cơ sở chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Tập đoàn Viettel mong muốn và kỳ vọng nghị định sẽ mở ra một khung pháp lý phù hợp cho việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các hoạt động đầu tư, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 21, công ty mẹ chỉ được vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước, chưa được phép vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài. Viettel đề xuất mở rộng quy định này để bao gồm cả hoạt động vay vốn các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Liên quan đến thoái vốn, Luật số 68 quy định cơ bản về việc F1 thoái vốn tại F2, kể cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều công ty F2 có đầu tư ra nước ngoài, như Viettel đang đầu tư tại 10 công ty F3 tại các quốc gia khác nhau, nhưng khi F1 thực hiện thoái vốn tại F2, việc định giá các khoản đầu tư ở nước ngoài hiện chưa có quy định cụ thể.
Góp ý về quy định vốn điều lệ, theo bà Hàn Mai Nga - Kế toán trưởng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), VEC đề xuất bổ sung nội dung về nguồn vốn ngân sách nhà nước giao cho doanh nghiệp hoặc các bộ ngành đã giải ngân và đầu tư vào dự án. Lý do đề xuất do xuất phát từ vướng mắc của VEC trong quá trình tăng vốn điều lệ vừa qua, khi thực hiện vướng mắc và phải xin ý kiến của Quốc hội.
Xem xét điều chỉnh tiêu chí xếp loại doanh nghiệp nhà nước
Góp ý một số nội dung cần được xem xét bổ sung, làm rõ tại nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đình Danh - Phó Tổng Giám đốc VNPT, đây không chỉ là cơ sở để đánh giá, xếp loại doanh nghiệp mà còn để xem xét hiệu quả hoạt động của người đứng đầu doanh nghiệp và các kiểm soát viên. Qua đó, tạo động lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như tập thể người lao động trong doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước "đầu tàu" đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát vốn. Ảnh: T.L.
VNPT cho rằng, các nguyên tắc đánh giá vẫn cần hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân phát triển tốt hơn. Cụ thể, dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải thỏa mãn đồng thời rất nhiều tiêu chí: chỉ tiêu phải đạt 100% trở lên mới đánh giá là đạt; phải hoàn thành 7/7 chỉ tiêu được giao.
Theo Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Đình Danh, trong dự thảo mới, doanh nghiệp được xếp hạng loại A dường như rất khó, đặc biệt, với xu hướng hiện nay, tất cả các chỉ tiêu tài chính đều được giao rất cao. Chỉ cần có một chỉ tiêu không đạt đã là doanh nghiệp loại B, trong khi tình hình kinh tế - xã hội rất nhiều biến động, rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Về tiêu chí xếp loại doanh nghiệp, theo đại diện Viettel, trước đây có 5 chỉ tiêu chính. Trong dự thảo, số lượng tiêu chí tăng lên 7, bổ sung thêm đánh giá về hoạt động đầu tư và nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hai tiêu chí bổ sung này cần cân nhắc thêm.
Tương tự, đối với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch đầu tư, trước đây đạt trên 90% đã được coi là hoàn thành. "Theo tiêu chí đánh giá mới phải đạt 100 %, với một số tập đoàn có doanh thu quy mô lớn, việc này rất khó thực hiện" - đại diện Viettel nhìn nhận.
Cũng theo bà Hàn Mai Nga - Kế toán trưởng VEC, về nội dung và tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp, hiện việc xếp loại chủ yếu dựa trên mức độ hoàn thành kế hoạch được giao, đặc biệt là tiêu chí doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 10% trở lên. Tuy nhiên, đây là yêu cầu khá thách thức, khó có thể đạt được; việc tách biệt xếp hạng người quản lý và doanh nghiệp cũng cần xem xét sửa đổi./.
7 thang đo đánh giá, xếp loại doanh nghiệp
Điều 32 dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ chỉ tiêu cơ bản đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Theo đó, các chỉ tiêu 1, 2, 3, 4, 5 tại dự thảo Nghị định kế thừa các chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 và về cơ bản không có vướng mắc khi triển khai thực hiện; đồng thời bổ sung chỉ tiêu 6 và 7.
Cụ thể, chỉ tiêu 1: tổng doanh thu, sản lượng; chỉ tiêu 2: lợi nhuận sau thuế; chỉ tiêu 3: tỷ suất lợi nhuận; chỉ tiêu 4: nợ phải trả; chỉ tiêu 5: thực hiện nhiệm vụ được giao. Hai chỉ tiêu mới được bổ sung là chỉ tiêu 6: thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp về việc thực hiện khối lượng, giá trị giải ngân theo kế hoạch; chỉ tiêu 7: thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước./.
Ánh Tuyết