Nhiều dự án điện chậm tiến độ

Nhiều dự án điện chậm tiến độ
2 giờ trướcBài gốc
Dự án Trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối khởi công từ năm 2016 đến nay vẫn vướng mặt bằng. Ảnh:L.Mai
Hiện nay, nhiều dự án điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang chờ tháo gỡ những vướng mắc trên để tiếp tục triển khai. Nếu các dự án điện chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp điện cho sản xuất.
Nhiều năm chưa xong mặt bằng
Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) mới đây đã kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có chuyên đề giám sát về công tác giải phóng mặt bằng đối với công trình Trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết mặt bằng cho 6 trụ điện còn lại của dự án.
Theo Giám đốc PC Đồng Nai Trương Đình Quốc, dự án được khởi công năm 2016, đến năm 2018 thì hoàn tất phần xây dựng trạm và lắp đặt thiết bị, nhưng đường dây đấu nối vẫn chưa xong mặt bằng, hiện còn 6 vị trí móng trụ. Từ năm 2019 đến nay, Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền (huyện Trảng Bom) phải tăng cường điện từ các trạm 110kV lân cận. Đến thời điểm hiện tại, công ty không thể tăng cường để tiếp tục cấp điện cho các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp điện cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào KCN.
Tháng 7-2024, PC Đồng Nai có báo cáo gửi UBND tỉnh, KCN Giang Điền có 116 khách hàng sử dụng điện sản xuất với tổng công suất lắp đặt hơn 192MVA nhưng chỉ sử dụng được khoảng 78MVA (40,5% công suất lắp đặt) do bị khống chế công suất sử dụng. Đặc biệt, có nhiều khách hàng chỉ được công ty cung cấp tối đa 50kW để xây dựng nhà xưởng, không đủ cấp điện phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh do các trạm 110kV lân cận đã vận hành đầy tải. Các tuyến đường dây 22kV cấp điện cho KCN có bán kính xa và sử dụng chung với phụ tải sinh hoạt của dân cư nên độ tin cậy cung cấp điện không cao. Đây cũng là điển hình dự án vì vướng mắc về mặt bằng mà chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào KCN.
Ngoài ra, nhóm 4 dự án giải tỏa công suất cho Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 cũng đang “bế tắc” vì mặt bằng.
Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 Lê Bá Quý cho hay, đây là dự án phát triển nguồn điện quan trọng và được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, theo dõi, chỉ đạo với yêu cầu tiến độ cấp bách. Hiện tại, dự án đã thi công đạt khoảng 95% khối lượng nhưng các đường dây truyền tải điện còn vướng quy hoạch, mặt bằng, chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Ban đã kiến nghị Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết các vướng mắc để đấu nối, cấp điện chạy thử và giải tỏa công suất cho 2 nhà máy điện.
Còn nhiều dự án điện khác cũng vướng mặt bằng thi công trạm hoặc tuyến đường dây đấu nối dẫn đến kéo dài nhiều năm như: Trạm biến áp 500kV Long Thành và đường dây đấu nối; Trạm biến áp 110kV khu đô thị Long Hưng và đường dây đấu nối…
Vướng quy hoạch, giấy phép, đấu nối
Những năm qua, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do đầu tư các dự án mới còn chậm, dẫn đến tuyến đường dây và trạm biến áp vận hành đầy và quá tải. Lưới điện 110kV phải nhận nguồn 110kV hỗ trợ từ các tỉnh: Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.
Giám đốc PC Đồng Nai Trương Đình Quốc cho rằng, bên cạnh vướng mắc lớn là mặt bằng, các dự án điện còn vướng quy hoạch, điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận hướng tuyến, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Trong đó, về quy hoạch là tình trạng không đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch chung đô thị của địa phương. Điều này khiến công tác thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến mất khoảng 1-3 năm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đối với quy hoạch sử dụng đất, các công trình lưới điện đa phần được định hướng theo sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, do đó không thể xác định được hướng tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp trước để cập nhật lên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, theo quy định của pháp luật về đầu tư thì các công trình điện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do các công trình điện chưa phù hợp quy hoạch, chưa được cập nhật lên bản đồ sử dụng đất như đã nói trên dẫn đến các hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư chưa đủ điều kiện.
Từ những vướng mắc này, PC Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được thỏa thuận hướng tuyến và vị trí trạm, đã có trong quy hoạch sử dụng đất, có chỉ tiêu sử dụng đất năng lượng và cho phép dự án được cập nhật lên bản đồ sử dụng đất để triển khai các bước tiếp theo.
Đối với các dự án mới triển khai theo quy hoạch phát triển điện lực, UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư tạm trên cơ sở phù hợp quy hoạch sử dụng đất, cho phép cập nhật dự án vào quy hoạch chung/quy hoạch xây dựng cấp huyện. Sau khi đã cập nhật đầy đủ các quy hoạch, chủ đầu tư sẽ làm thủ tục đề nghị cấp chủ trương đầu tư theo quy định.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, dự án điện liên quan đến các quy định của pháp luật về: đất đai, đầu tư, quy hoạch, giao thông, phòng cháy, chữa cháy… Để dự án được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch; dự án được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật, PC Đồng Nai và Sở Công thương tổng hợp để đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Lê An
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/nhieu-du-an-dien-cham-tien-do-ca2032c/