Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc
4 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc là bạn hàng quan trọng của Việt Nam
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại đầu tiên mà Việt Nam thiết lập được quy mô kim ngạch 200 tỷ USD trở lên.
Sầu riêng là mặt hàng rau quả chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa
Không chỉ năm 2024 mà nhiều năm gần đây, Trung Quốc đều khẳng định vai trò là bạn hàng rất quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn với 1,4 tỷ dân, sức mua lớn, là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hóa Việt Nam mà còn là hàng hóa của nhiều quốc gia khác.
Với tốc độ nhập khẩu lớn đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông lâm thủy sản… đây là thị trường lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.
Bên cạnh đó, nếu so với các đối thủ cạnh tranh khác, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhờ vị trí địa lý gần. Hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, có giá cạnh tranh, rất được thị trường phía bạn ưa chuộng, là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Đáng chú ý, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, giảm khoảng 100 triệu USD so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD, tăng tới 33,35 tỷ USD so với năm trước (tương đương tốc độ tăng 30,1%).
Phân tích về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá: kim ngạch xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng cao khiến con số nhập siêu từ Trung Quốc cũng nới rộng so với trước. Nếu như năm 2023, nhập siêu từ Trung Quốc mới là 49,3 tỷ USD, nhưng năm 2024 đã lên đến 82,8 tỷ USD.
Dừa tươi của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc. Ảnh minh họa Lý do của tình trạng này là Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc là mặt hàng có giá trị thấp, còn nhập khẩu từ thị trường này những mặt hàng nguyên liệu sản xuất, máy móc thiết bị là những mặt hàng thường có giá trị cao hơn.
Đối với nông sản là mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, thời gian qua, phía bạn đã dựng lên hàng rào bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Theo đó, giảm mạnh nhập khẩu tiểu ngạch, tăng xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn quen xuất khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch sang thị trường này, nên kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Nâng chất lượng, tăng xúc tiến thương mại chuyên sâu
Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc là thị trường lớn, thị trường gần và sẽ đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025 và thời gian tới. Doanh nghiệp phải xác định rằng Trung Quốc cũng ngày càng đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, mã đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu…
Các doanh nghiệp cần tăng cường làm việc, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị của Trung Quốc nhằm đưa hàng hóa trực tiếp vào các kênh phân phối này, từ đó giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, dễ dàng hơn trong xây dựng thương hiệu.
TS Vũ Vinh Phú
TS Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện nay Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, đa phần trong đó là nguyên phụ liệu sản xuất thì không đáng lo. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Do đó, phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nội địa để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, từ đó giúp giảm bớt thâm hụt, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.
Cụ thể, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực vận chuyển, giảm chi phí logistics để năng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi không chỉ Bộ Công Thương mà cả các bộ ngành liên quan, những địa phương có chung đường biên giới cũng phải vào cuộc cải thiện hệ thống đường giao thông, đầu tư xây dựng kho bãi sát biên giới.
TS Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh, trước đây, đã có nhiều chuyến công tác của lãnh đạo các bộ ngành đến các tỉnh biên giới để lập các kho hàng hóa nhưng hiện nay, tốc độ triển khai của Việt Nam còn chậm. Trong khi đó, các kho hàng tại biên giới có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng các kho hàng tại khu vực này; đồng thời, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tận dụng lợi thế đưa hàng hóa Việt thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc.
Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin: lượng hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc khá lớn, song hàng hóa có thương hiệu riêng tại Thiên Tân, Bắc Kinh, Thượng Hải… còn hạn chế. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn và mỗi một tỉnh, một thành phố của Trung Quốc đều là một thị trường tiềm năng. Do vậy, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu vào các địa phương của Trung Quốc để đa dạng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam.
Ánh Ngọc
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nhieu-giai-phap-thuc-day-xuat-khau-sang-trung-quoc.html