Nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng của thuốc lá điện tử

Nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng của thuốc lá điện tử
8 giờ trướcBài gốc
- P.V: Thưa bác sĩ, được biết, thuốc lá điếu, TLĐT, TLNN đều là những sản phẩm gây hại đối với sức khỏe. Vậy bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về tác hại của loại thuốc lá thế hệ mới này đối với người trẻ?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh về tim mạch, hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ tử vong sớm.
Tại Việt Nam có sự gia tăng nhanh tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là TLĐT, TLNN, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm tuổi 13-17 tăng lên nhanh chóng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; nhất là ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng TLĐT đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Điều làm cho TLĐT, TLNN nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường là có thể sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Vì vậy, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển não bộ của trẻ em và thanh niên, thiếu niên, gây ra hậu quả nghiêm trọng kèm theo đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Bên cạnh đó, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến các em dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sớm hơn và trầm trọng hơn trong tương lai.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông PCTHTL, TLĐT, TLNN tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
- P.V: Tình hình buôn bán, tàng trữ và sử dụng TLĐT, TLNN trong nước thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, còn tại tỉnh ta như thế nào thưa bác sĩ?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Mặc dù những tác hại của TLĐT, TLNN đã được các cơ quan chuyên môn cảnh báo và việc mua bán TLĐT nhập lậu được xem là hành vi buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, việc sử dụng TLĐT, TLNN có chiều hướng gia tăng, kéo theo đó là tình trạng mua bán, kinh doanh TLĐT trái phép diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, cùng với Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, ngành Công an đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa. Trong đó, chủ động trong công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc buôn bán, kinh doanh TLĐT; tịch thu tang vật là TLĐT, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong thời gian triển khai kế hoạch cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép TLĐT, từ ngày 24/4-2/5/2024, Công an TP. Đồng Hới đã phát hiện 2 vụ/2 đối tượng có hành vi liên quan đến việc buôn bán, kinh doanh TLĐT; tịch thu tang vật là TLĐT, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Trong tháng 6/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) cũng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 14.000 sản phẩm TLĐT trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Thanh Trạch (Bố Trạch); đồng thời, tập trung phối hợp, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an các địa phương tiếp tục tăng cường điều tra, nắm tình hình, triệt phá các đường dây buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch TLĐT để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trên thực tế, TLĐT, TLNN là những loại thuốc lá thế hệ mới, chưa được phép kinh doanh tại thị trường trong nước. Việc mua bán, quảng cáo, giới thiệu các loại sản phẩm này chủ yếu diễn ra trên các trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ… do vậy việc đấu tranh, xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ số lượng lớn sản phẩm TLĐT nhập lậu.
- P.V: Thưa bác sĩ, Bộ Y tế cảnh báo về tình trạng nhập viện do sử dụng các sản phẩm TLĐT ngày càng gia tăng, vậy ngành Y tế Quảng Bình đã ghi nhận tình trạng này chưa?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điếu, TLĐT, TLNN đều là những sản phẩm gây hại đối với sức khỏe: 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là do sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp PCTHTL hiệu quả không được thực hiện kịp thời.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước cho thấy: Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Trong đó, trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca (nhóm dưới 16 tuổi nhập viện là 27 người, nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người); từ 19-24 tuổi là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người.
Tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thu dung và điều trị bệnh nhân liên quan đến thuốc lá, như: Ung thư phổi, COPD, hen phế quản…; đối với những trường hợp cấp cứu và điều trị do TLĐT hiện chưa có báo cáo cụ thể.
- P.V: Bác sĩ có thể cho biết công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của TLĐT, TLNN đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Một thực tế đáng báo động là tình trạng giới trẻ có thể dễ dàng mua bán, sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới này mà không biết rõ nguồn gốc, tác hại của các hóa chất, thậm chí có cả chất gây nghiện được pha trộn.
Bộ Y tế: Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm sản phẩm TLĐT đang tăng lên. Cụ thể, có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm TLĐT. Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Venezuela đã chuyển từ quy định kiểm soát sản phẩm này như dược phẩm sang quy định cấm hoàn toàn. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn TLĐT, TLNN là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Với mục tiêu tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng TLĐT, TLNN, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã phối hợp thực hiện vận động, truyền thông mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, TLĐT, đặc biệt đối với thanh niên, thiếu niên, bảo vệ trẻ em và những người không hút thuốc cũng như giảm thiểu tác hại về sức khỏe cho người dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền PCTHTL, TLĐT, tăng cường tại các trường học, đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên về tác hại của TLĐT, TLNN đối với sức khỏe con người; hướng dẫn các nhà trường tích cực xây dựng môi trường không khói thuốc. Đồng thời, đề nghị trường học tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cũng như tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích các em tham gia; phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường để cùng chung tay bảo vệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh, tránh xa tác động của thuốc lá thế hệ mới.
Ngày 17/5/2024, UBND tỉnh đã có công văn số 889 về việc tăng cường quản lý TLĐT, TLNN, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về TLĐT, TLNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan báo chí, Sở Giáo dục-Đào tạo, các địa phương tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của TLĐT, TLNN, đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; chủ động, thường xuyên phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLĐT, TLNN chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam.
- P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!
Nội Hà (thực hiện)
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202410/nhieu-he-luy-suc-khoe-nghiem-trong-cua-thuoc-la-dien-tu-2221554/