Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình
Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều nay 18/4 đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào dân tộc tham gia tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sông động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương”.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, sự khởi sắc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thể hiện trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng
Đặc biệt, phương châm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn như Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần “Đại đoàn kết - Di sản văn hóa Việt Nam”... Cùng với những chương trình điểm nhấn và hoạt động hàng ngày như: lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian... đã mang lại sức sống cho từng nếp nhà ở “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần đưa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ.
Tính đến năm 2025, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã huy động được 16 nhóm cộng đồng các dân tộc với gần 150 nghệ nhân, đồng bào về đây sinh sống, duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên, mang lại sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến thăm Thủ đô nói chung, thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng.
“Ngày 17/9/2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào được mời tham gia hoạt động tại Làng. Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ và là kết quả nỗ lực của toàn thể tập thể lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong việc cụ thể hóa chính sách thành hiện thực. Nhờ đó, bà con yên tâm gắn bó lâu dài, coi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là “quê hương thứ hai” của mình”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL cho biết, từ năm 2020, Làng đã mời luân phiên 16 nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số về sinh hoạt, biểu diễn và tái hiện đời sống truyền thống tại Làng theo hợp đồng 3 - 6 tháng. Các nhóm dân tộc gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Khơ Mú, Thái, Lào, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer… với số lượng từ 6 - 8 người/nhóm.
Tính đến cuối năm 2024, Làng đã huy động gần 9.000 nghệ nhân, già làng, trưởng bản từ 350 lượt địa phương, đại diện cho 481 lượt dân tộc. Đặc biệt, chú trọng mời đồng bào các dân tộc ít người tham gia…
“Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp, ưu tiên lựa chọn Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương; đồng thời đưa nội dung huy động đồng bào tham gia hoạt động tại Làng vào kế hoạch hằng năm”, ông Trịnh Ngọc Chung nói.
Từ năm 2020, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mời luân phiên 16 nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số về sinh hoạt, biểu diễn và tái hiện đời sống truyền thống.
“Chúng tôi hiểu rằng việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của bà con tại Làng mà còn cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân tộc. Vì vây, chúng tôi mong sẽ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên từ các địa phương để những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc tiếp tục được giữ gìn, phát huy và lan tỏa rộng rãi tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh (dân tộc Xơ đăng) chia sẻ.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, kỷ niệm 79 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946 - 19/4/2025) và gần 20 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ 17/4 đến ngày 20/4//2025, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đặc sắc nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Từ 18/4 đến ngày 20/4//2025, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đặc sắc.
Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động phong phú, đa dạng sẽ được tổ chức, điểm nhấn đặc biệt của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 là các màn trình diễn và giới thiệu di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc.
Tại không gian của đồng bào Khmer, các nghi lễ tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây sống động như việc lễ rước Môha Sangkran hay dâng cơm cho các vị Sư sãi.
Đồng bào Ê Đê từ Đắk Lắk sẽ tái hiện lễ cúng trưởng thành và giới thiệu không gian âm nhạc dân tộc với các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, chiêng tre, đàn T’rưng, cùng các điệu múa xoang đặc trưng. Các tiết mục này sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa của những dân tộc ít người này.
Cùng với những hoạt động chính, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, dân ca, dân vũ...
“Sắc màu văn hóa vùng cao xứ Thanh” là chương trình tái hiện không gian văn hóa dân tộc Thổ với điễm nhấn là lễ mừng cơm mới, một nghi thức quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc Thổ xứ Thanh.
Bên cạnh đó, các gian hàng du lịch của Sóc Trăng, Đắk Lắk và các tỉnh, thành khác cũng sẽ trưng bày những sản phẩm đặc trưng như cà phê, mật ong, các sản phẩm OCOP, mang đến một không gian đầy màu sắc văn hóa và du lịch.
Cùng với những hoạt động chính, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, dân ca, dân vũ đặc sắc, từ đó tạo cơ hội cho các dân tộc giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thể hiện tài năng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Thư Vũ/VOV.VN