Nhiều kinh nghiệm quốc tế có thể tham khảo về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nhiều kinh nghiệm quốc tế có thể tham khảo về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật
15 giờ trướcBài gốc
Quy trình xây dựng luật thường bao gồm 5 bước chính
Để bảo đảm thể chế hóa các chỉ đạo về đổi mới tư duy xây dựng hệ thống pháp luật, một nội dung được quan tâm hàng đầu của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là đổi mới quy trình xây dựng luật. Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của nhiều nước như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada… cho thấy, mặc dù có sự khác biệt về thể chế chính trị, truyền thống lập pháp nhưng hầu hết các nước, quy trình xây dựng luật thường bao gồm 5 bước chính là sáng kiến xây dựng luật; soạn thảo dự thảo luật (gồm cả lấy ý kiến và trình dự luật); thẩm tra dự án luật tại các ủy ban của Quốc hội (QH)/Nghị viện; thảo luận, thông qua dự luật tại phiên họp QH/Nghị viện; ban hành và công bố luật.
Chẳng hạn, một số nước như Canada, Nhật Bản có sự tách biệt rất rõ 2 giai đoạn bên phía Nội các là xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách, trong đó, bước xây dựng chính sách (hoạch định chính sách) có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng của dự án luật sau này. Do đã đầu tư nhiều công sức ở giai đoạn chính sách nên bước soạn thảo luật (quy phạm hóa chính sách) được giảm tải đáng kể thời gian và chi phí. Việc tách hai bước như vậy tạo tiền đề quan trọng để chuyên nghiệp hóa cả khâu phân tích, hoạch định chính sách và khâu quy phạm hóa chính sách. Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo của các dự án luật đều do những người trong cùng cơ quan chuyên soạn luật quyết định cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính nhất quán về ngôn từ, cấu trúc, văn phong của các đạo luật, tạo tiền đề bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ở nhiều nước như: Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, công việc soạn thảo luật được giao cho cơ quan chuyên trách đảm nhiệm.
Hay về quy trình xem xét, thông qua dự luật, ở một số nước, trong quá trình dự luật được xem xét, thảo luận tại Hạ viện, Thượng viện hoặc các ủy ban của Nghị viện, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành là người thay mặt Nội các bảo vệ, giải trình nội dung của dự thảo luật để thuyết phục các thành viên Hạ viện và Thượng viện. Còn vai trò chủ yếu của Nghị viện là xem xét về chính sách để bảo đảm chính sách không đi ngược lại quyền lợi của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của dự luật, dung hòa được các lợi ích trong xã hội.
Ở Trung Quốc, theo Luật Lập pháp năm 2000, thông thường, một dự án luật trong chương trình kỳ họp của QH sẽ được xem xét 3 lần trong kỳ họp trước khi Ủy ban bỏ phiếu về việc thông qua. Trong quá trình xem xét, nếu xét thấy cần thiết, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH có thể tổ chức một cuộc họp nhóm hoặc một phiên họp toàn thể để thảo luận về những vấn đề lớn của dự thảo luật. Đối với các dự thảo luật trải qua 3 lần thảo luận của UBTVQH mà không còn quá nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản, Ủy ban Pháp luật của QH sẽ hoàn thiện dự thảo luật. Dự thảo này sẽ được Chủ tịch đoàn của UBTVQH đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của UBTVQH. Dự thảo này sẽ được thông qua nếu quá nửa số ủy viên UBTVQH nhất trí thông qua. Sau khi dự thảo luật được UBTVQH thông qua, Chủ tịch nước sẽ ký lệnh công bố.
Ở Canada, sau khi được Bộ Tư pháp soạn thảo và được lãnh đạo của Bộ đặt hàng dự luật nhất trí và được Hội đồng Cơ mật chấp thuận thì dự án luật sẽ được trình QH xem xét. Quy trình xem xét và thông qua luật rất phức tạp vì phải qua 3 lần xem xét của Hạ viện và 3 lần xem xét của Thượng viện. Sau khi dự luật được soạn thảo thì phải thông báo cho Hạ viện thông qua chỉ gồm tên và tiêu đề của dự luật (mục đích của dự luật; cơ quan trình; tài liệu gửi kèm). Nếu dự luật được Thượng viện thông qua thì dự luật sẽ được trình Toàn quyền phê duyệt. Việc phê chuẩn này chỉ mang tính tự động, chứ không có tác động tới việc khẳng định hay phủ quyết dự luật ở giai đoạn này.
QH Gruzia chỉ xem xét dự thảo nếu đã có kết luận của các ủy ban của QH về lĩnh vực tương ứng. Kết luận phủ định của ủy ban không cản trở việc xem xét dự thảo trong phiên họp toàn thể của QH. Khi xem xét dự thảo do Tổng thống đệ trình theo quy trình đề xuất xây dựng pháp luật, người được chỉ định đặc biệt của Tổng thống có quyền phát biểu đại diện cho Tổng thống. Người này không được là thành viên QH. Dự thảo do Tổng thống đệ trình được xem xét tại một phiên họp đặc biệt và phải được chuyển cho ủy ban QH tương ứng ngay lập tức theo đúng quy trình mà QH quy định. Ủy ban có trách nhiệm xem xét dự thảo trong phiên họp gần nhất và đưa ra kết luận. QH xem xét dự thảo trong phiên họp toàn thể gần nhất của mình sau khi ủy ban đã đưa ra kết luận.
Tham vấn chính sách có thể tiến hành ở nhiều giai đoạn
Tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách là một thông lệ tốt trong quá trình soạn thảo, xây dựng chính sách. Tham vấn chủ yếu được thực hiện ở giai đoạn đề xuất chính sách, còn ở các giai đoạn sau có thể cũng sẽ tiến hành tham vấn nhưng không quan trọng bằng giai đoạn phân tích chính sách. Một số nước có quy trình xây dựng chính sách, tham vấn công chúng được thực hiện từ giai đoạn hình thành chính sách.
Tòa nhà Chính phủ Trung ương số 4, nơi đặt Cục Pháp chế Nội các Nhật Bản. (Ảnh: The Japan Times).
Ở Bulgaria, Azerbaijan, Kyrgizstan, dự luật cùng đánh giá tác động của dự luật đó phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo. Công chúng được tự do góp ý và ấn định thời hạn nhận ý kiến góp ý. Phương pháp lấy ý kiến góp ý có thể bằng văn bản, thảo luận, khảo sát, truyền thông, kênh báo chí xuất bản chính thức, thư viện, trung tâm thông tin cộng đồng cũng như các cách thức khác được luật quy định. Ở Bulgaria, trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng thông tin, các cá nhân và tổ chức phải gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc lấy ý kiến công chúng, cơ quan tổ chức lấy ý kiến công chúng sẽ công bố bản tổng hợp những đề xuất được chấp nhận và không được chấp nhận trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ở Canada, để thu hút người dân quan tâm tới chính sách, Bộ trưởng có thể mời các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp bằng văn bản đến bộ để thông qua đối thoại hoặc góp ý trực tiếp. Nếu không cần lấy ý kiến chuyên sâu thì có thể lấy ý kiến qua tọa đàm, hội thảo hoặc phát tờ rơi về các nội dung chính của chính sách. Về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham vấn không bắt buộc vì các nhóm đối tượng được tham vấn đã nêu được băn khoăn và nguyện vọng của các đối tượng chịu sự trực tiếp và nếu cần thiết các đối tượng này có thể tiếp tục các hoạt động kiến nghị, đề xuất.
Tại Anh, trong quá trình hình thành các đề xuất, Bộ trưởng thường phải tiến hành các công việc tham vấn những đối tượng quan trọng như các chuyên gia, các nhóm lợi ích và các đối tượng dự kiến chịu sự tác động bởi chính sách dự kiến đề xuất. Theo Bộ quy tắc ứng xử của Văn phòng Nội các của Anh, thời hạn tham vấn công chúng vào khoảng 12 tuần và việc tham vấn được công bố công khai trên trang thông tin điện tử. Quy định này cũng giống với Canada và một số quốc gia khác.
Quy định về việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật ở Nhật Bản được ghi nhận tại Luật Thủ tục hành chính năm 2005 và đã đạt được hiệu quả nhất định góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật của các cơ quan nhà nước. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các dự luật của Nhật Bản được thực hiện thông qua các biện pháp hiện đại, đặc biệt là sử dụng trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin quản lý. Mục đích của việc lấy ý kiến không phải nhằm thu nhận được đa số sự đồng thuận mà chủ yếu thu thập các ý kiến trái chiều, các quan điểm, cách thức, giải pháp được góp ý để làm cơ sở nghiên cứu, củng cố về mặt lý luận và thực tiễn cho nội dung chính sách pháp luật được đưa ra cũng như các phương án kỹ thuật giải quyết vấn đề sẽ được quy định trong văn bản. Vì vậy, nhiều trường hợp có những quan điểm thuộc thiểu số nhưng được ghi nhận để trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Luật Lập pháp Mông Cổ quy định cơ quan đề nghị ban hành luật phải tổ chức lấy ý kiến công chúng trước khi trình dự án luật ra QH bằng cách đăng tải hồ sơ dự án luật trên trang điện tử chính thức trong thời hạn 15 ngày (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Mông Cổ quy định thời hạn khác) để lấy ý kiến bằng văn bản của công dân, tổ chức. Thời hạn đăng tải là 60 ngày đối với dự thảo luật có tác động đến môi trường kinh doanh như thương mại, đầu tư, thuế kèm theo bản dịch tiếng Anh của bản thuyết minh chi tiết về dự án luật. Vì mục đích an ninh quốc gia, sẽ không tổ chức lấy ý kiến công chúng đối với những nội dung thuộc bí mật nhà nước của dự thảo luật.
Ở Đức, một nguyên lý của bất cứ một nền dân chủ pháp quyền nào là phải duy trì và bảo vệ niềm tin của người dân vào pháp luật. Do vậy, quá trình soạn một dự luật đòi hỏi phải rất công khai, minh bạch. Những đối tượng có liên quan, các nhà khoa học, đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự luật phải được Nhà nước tạo điều kiện tham gia ý kiến về dự luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan phải nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp đó.
Hà Uyên
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/nhieu-kinh-nghiem-quoc-te-co-the-tham-khao-ve-quy-trinh-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-post539399.html