Nhóm các nhà khoa học Việt Nam vừa công bố cập nhật thành công dữ liệu danh lục Đỏ và biên soạn Sách Đỏ Việt Nam do do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với Trung tâm Tin học và Tính toán, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ thực hiện trong giai đoạn 2020-2024.
Gà lôi hông tía, một trong số loài bị đe dọa tuyệt chủng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Trong hơn 3 năm triển khai thực hiện và thông qua nhiều hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, hồ sơ của 1.398 loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam đã được xây dựng và đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của IUCN áp dụng cho cấp độ quốc gia. Thông tin về phân loại học, phân bố, tình trạng quần thể và mối đe dọa đối với các loài động, thực vật hoang dã đã được cập nhật cho từng loài.
Bướm phượng cánh chim chấm rời, một trong số loài bị đe dọa tuyệt chủng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Điểm mới nổi bật của đề tài này là Danh lục Đỏ Việt Nam được phát triển trên nền tảng trực tuyến, cho phép tra cứu chi tiết thông tin về 1.398 loài bị đe dọa tuyệt chủng phân bố ở nước ta. Hệ thống này được xây dựng tương đồng với Danh lục Đỏ IUCN, sắp xếp theo hệ thống phân loại khoa học và hỗ trợ truy xuất thông tin trực tuyến tại địa chỉ: http://vnredlist.vast.vn/. Cơ sở dữ liệu này do Trung tâm Tin học và Tính toán xây dựng trong khuôn khổ Hợp phần 2 của đề tài. Logo của Danh lục Đỏ được thiết kế với biểu tượng của loài Lan hài Việt Nam và Sao la, hai loài đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam.
Bộ Sách Đỏ Việt Nam cũng được biên soạn và phát hành gồm Tập 1 về động vật (742 loài) và Tập 2 về thực vật và nấm (656 loài). Các nhóm chuyên gia đã cập nhật, bổ sung và điều chỉnh bậc phân hạng bảo tồn đối với 1398 loài sinh vật. Mỗi loài bao gồm thông tin về danh pháp, mô tả đặc điểm nhận dạng, phân bố, tình trạng quần thể, đặc điểm sinh học, các mối đe dọa và các biện pháp bảo tồn.
Thông Pà Cò, một trong số loài bị đe dọa tuyệt chủng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
So với phiên bản Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, số lượng loài bị đe dọa trong phiên bản năm 2024 đã tăng đáng kể, từ 836 loài lên 1.398 loài. Đáng chú ý, số loài động vật tăng 354 loài, số loài thực vật tăng 196 loài và số loài nấm tăng 6 loài. Một số nhóm sinh vật mới như Rêu, Hình nhện và Chuồn chuồn cũng được đánh giá bổ sung trong lần này. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận 5 loài động vật đã bị tuyệt chủng (bậc EX - Extinct) hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên (bậc EW - Extinct in the Wild)) ở Việt Nam: Hươu sao (Cervus nippon), Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus) và Rùa ba-ta-gua miền nam (Batagur affinis).
Theo chủ nhiệm đề tài, GS.TS. Nguyễn Quảng Trường, thông tin cập nhật trong Danh lục Đỏ và Sách Đỏ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá và bổ sung hồ sơ các loài đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo các nghị định của Chính phủ. Đây cũng là tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ đối với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài nguyên sinh vật mà còn có giá trị đối với công tác nghiên cứu và đào tạo.
Bên cạnh đó, sản phẩm của đề tài còn có 5 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín như Nature Conservation, ZooKeys, và Frontiers of Biogeography. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài Cá cóc ngọc linh, một loài mới cho khoa học tại tỉnh Kon Tum công bố trên tạp chí ZooKeys năm 2023.
Danh lục Đỏ và Sách Đỏ Việt Nam là tài liệu tham khảo quan trọng trong công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật và thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, như Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Thông tin trong các tài liệu này cũng là căn cứ để xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách như các nghị định và chiến lược quốc gia liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Tô Hội