Khai thác đá xây dựng tại cụm mỏ Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: H.Lộc
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chỉ đạo giải quyết nhanh những khó khăn, vướng mắc để các mỏ được tăng công suất khai thác, đảm bảo đá xây dựng cho các công trình.
Hơn 80% mỏ đá vướng thủ tục pháp lý
Thông tin từ Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 giấy phép khai thác đá với tổng diện tích hơn 1,1 ngàn hécta. Đến nay, diện tích các mỏ đã mở moong khai thác là 660 hécta, tổng trữ lượng được phê duyệt là 393 triệu m3 và trữ lượng còn lại đến ngày 31-12-2024 là 265 triệu m3.
Trong số 32 mỏ nói trên, có 26 giấy phép đang vướng thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hợp đồng thuê đất, chiếm hơn 80%; 5 giấy phép đã hết hạn, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn nhưng đang chờ nghị định hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025); 1 giấy phép chưa tiến hành khai thác do đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp đồng thuê đất.
Cũng theo ông Đức, ngoài những vướng mắc trên, một số mỏ đá thuộc Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân tại thành phố Biên Hòa bị chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch khai thác khoáng sản. Số khác thì gặp khó khăn trong việc khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp, chuyển nhượng quyền khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục liên quan.
Đồng Nai hiện có 32 giấy phép khai thác mỏ đá xây dựng đã được cấp. Trong đó, 26 mỏ vướng thủ tục giấy phép đầu tư, đất đai; 5 mỏ hết thời hạn giấy phép; 1 mỏ chưa khai thác.
Đại diện Hợp tác xã Sản xuất thương mại và dịch vụ Bình Thạnh (ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2018, đơn vị được cấp phép khai thác mỏ Thạnh Phú 3 với diện tích 25 hécta, trữ lượng hơn 14 triệu m3. Đến nay, đã mở moong 24 hécta, trữ lượng đã khai thác hơn 9 triệu m3. Diện tích còn lại khoảng 1 hécta và trữ lượng còn lại hơn 5 triệu m3 đá nhưng việc thỏa thuận thuê đất gặp khó khăn, một số quy định trong Luật Đất đai và Luật Khoáng sản chồng chéo nên chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa Huỳnh Kim Vũ cho hay, doanh nghiệp đang khai thác 3 mỏ đá và các mỏ đều có tồn tại, vướng mắc. Trong đó, mỏ Tân Cang 1 trữ lượng còn lại hơn 24 triệu m3 thì đang thực hiện: chấp thuận thỏa thuận bồi thường, hợp đồng thuê đất đối với phần diện tích đã hết hạn hơn 22 hécta, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và có chồng chéo quy hoạch xây dựng với thời hạn giấy phép khai thác được cấp. Mỏ đá Thạnh Phú 1 trữ lượng còn lại khoảng 35,6 triệu m3 đang thực hiện thủ tục: điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thuê đất đối với phần diện tích gần 38 hécta. Tương tự, mỏ đá Thiện Tân 2 đang phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục thuê đất đối với phần diện tích gần 2 hécta.
Giải quyết thủ tục trong tháng 2
Việc có hơn 80% mỏ đá vướng thủ tục, số còn lại thì hết hạn hoặc chưa khai thác dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình, nhất là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trong và ngoài tỉnh.
Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Nguyễn Tiến Việt cho biết, giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần 7,2 triệu m3 đá xây dựng các loại, hiện đơn vị mới nhập về công trường được 2,2 triệu m3, còn lại trong năm 2025 cần khoảng 4,9 triệu m3. Qua nắm tình hình các mỏ đang cung cấp đá cho dự án thì tổng công suất khai thác trong năm nay là 2,6 triệu m3 nhưng cung cấp cho nhiều dự án khác nhau.
Cũng theo ông Việt, việc thiếu đá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Do đó, Đồng Nai nên có giải pháp chỉ đạo các chủ mỏ tăng công suất, ưu tiên nguồn vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia này.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, với trữ lượng còn lại của các mỏ đã được cấp phép và quy hoạch khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản mới thì nguồn đá xây dựng phục vụ cho các công trình, dự án trên địa bàn có thể đảm đương. Song do nhiều mỏ còn vướng thủ tục pháp lý, một số mỏ đang chờ gia hạn; trong khi các công trường đều bước vào cao điểm thi công, cần số lượng lớn đá nhưng việc cung ứng gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước ngày 15-2, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư mời chủ đầu tư các mỏ đá đến làm việc, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trình lãnh đạo tỉnh duyệt để có cơ sở thực hiện thủ tục đất đai và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Sở Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các chủ mỏ hoàn thành thủ tục đối với diện tích đã thỏa thuận chuyển nhượng hoặc đã giải phóng mặt bằng và hướng dẫn tiếp tục đưa vào danh mục thu hồi đất để thực hiện bồi thường diện tích còn lại. UBND các huyện, thành phố rà soát đề xuất bổ sung danh mục thu hồi đất, tập trung tối đa công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại để sớm hoàn thành thủ tục đất đai cho các mỏ.
“Việc tập trung xử lý tháo gỡ vướng mắc khai thác vật liệu trên địa bàn tỉnh để cung cấp các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì thế, các sở, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo nêu trên” - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Hoàng Lộc