Cách đây ít lâu, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã kịp thời cứu sống chị N.T.T (45 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) bị tai nạn giao thông với nhiều chấn thương nghiêm trọng. Chị T được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán sốc mất máu do chấn thương bụng kín, tăng huyết áp, đái tháo đường và thay van tim.
Chị T phục hồi sau khi được cấp cứu kịp thời nhờ quy trình báo động đỏ (Ảnh: HĐ).
TNGT bất ngờ xảy đến vào lúc 5h sáng khi chị T đang trên đường đi làm. Sau tai nạn, bệnh nhân đau nhiều sườn trái, được người đi đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, đồng thời thông báo tình hình ca bệnh nặng cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để chuyển tuyến.
Đến 8h sáng cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc nhợt, huyết áp không đo được, bụng trướng căng, chọc dò ổ bụng có máu, chẩn đoán sốc mất máu do chấn thương bụng kín nghi do vỡ lách, chấn thương ngực kín, tăng huyết áp...
Ngay lập tức, báo động đỏ đã được kích hoạt, bệnh nhân được đẩy thẳng vào phòng mổ, các ê-kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê nhanh chóng vừa hồi sức, vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
May mắn được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, 7 ngày sau đó chị T hồi phục tốt, tự đi lại, ăn uống tốt, dùng lại thuốc chống đông máu và được xuất viện trong sự vui mừng của bệnh nhân và gia đình.
Cũng tại đây, bệnh nhân V. V. Đ (21 tuổi, ở Hà Nội), cấp cứu đa chấn thương do tai nạn giao thông cũng may mắn thoát cửa tử nhờ quy trình báo động đỏ. Bệnh nhân được Cấp cứu 115 Hà Nội đưa vào viện trong tình trạng không có người thân đi cùng, không có giấy tờ tùy thân, chảy máu ổ bụng, nhiều nguy cơ tử vong cao. Đứng trước tình hình phải cấp cứu bệnh nhân không có người thân, các bác sĩ vẫn quyết định mổ cấp cứu, để giành lại sự sống cho người bệnh.
Hệ thống báo động đỏ trong viện được kích hoạt, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức, chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, truyền máu cấp cứu, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và được chuyển lên phòng mổ cấp cứu trong vòng 20 phút.
Do đa chấn thương, bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Sang ngày thứ 10 sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường...
Theo BS Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Trường hợp chị T sốc mất máu do chấn thương đặc biệt vì bệnh nhân thay van tim, sử dụng chống đông thường xuyên, khiến cho khả năng cầm máu rất kém, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái nguy kịch. Nhờ kích hoạt báo động đỏ đã hỗ trợ tối ưu bệnh nhân trong giây phút cấp cứu.
Vũ Vũ