Nhiều người tin tưởng tương lai có thể phát triển ở khu vực châu Á. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn/Quân đội Nhân dân
Được biết, không có định nghĩa cụ thể nào cho “giấc mơ châu Á”, nhưng nguồn cảm hứng có thể bắt đầu từ “giấc mơ Mỹ”, thuật ngữ do nhà văn James Truslow Adams đưa ra vào năm 1931, trong đó ông mô tả giấc mơ về một vùng đất nơi có cuộc sống tốt hơn, trọn vẹn và giàu có hơn cho tất cả mọi người, với cơ hội trải đều cho tất cả, tùy thuộc vào khả năng và thành tích của mỗi người.
50 năm trước, hầu hết khu vực châu Á đều nghèo đói, phát triển thuần nông nghiệp và bị cai trị. Song kể từ đó đến nay, sự cải thiện ở hầu hết các quốc gia đều rất đáng kinh ngạc, khi công nghiệp hóa, giáo dục và quản lý tốt hơn đã mang lại chất lượng cuộc sống và mức sống cao hơn cho người dân nơi đây.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2021, châu Á chiếm 57% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và vào năm 2021 đóng góp gần một nửa GDP thế giới (theo sức mua tương đương), con số này nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, hiện động lực phát triển đang chậm lại.
Trong số các quốc gia trong khu vực, Indonesia, nền kinh tế mới nổi với hơn 270 triệu người, được ví như “chú chim hoàng yến trong mỏ than”. Dữ liệu gần đây từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia cho thấy, trong 5 năm qua, số người được phân loại là tầng lớp trung lưu đã giảm gần 9,5 triệu người. Đại dịch được coi là nguyên nhân chính gây nên vấn đề này. Nhưng không chỉ riêng Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã phản ánh: “Vấn đề này tồn tại ở hầu hết các quốc gia”.
Trung Quốc đang chứng kiến sự xói mòn trong tài sản hộ gia đình do giá bất động sản sụt giảm. Các gia đình trung lưu đang buộc phải xem xét lại ưu tiên về tiền bạc, một số người rút khỏi đầu tư hoặc bán tài sản để giải phóng thanh khoản.
Ấn Độ cũng vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại tương tự khi tăng trưởng đang chậm lại, mức lương ở thành thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn nhất, đang giảm và chi tiêu cũng giảm.
Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Phát triển OECD, tầng lớp trung lưu thường đóng vai trò quan trọng trong phát triển chính trị và kinh tế.
Các xã hội giàu có có xu hướng thúc đẩy sự tham gia dân chủ nhiều hơn và ít tham nhũng hơn, dẫn đến quản trị tốt hơn.
Dù vậy, bất chấp suy thoái, vẫn có bằng chứng cho thấy hầu hết người châu Á vẫn tự tin về triển vọng tăng trưởng của khu vực.
Một nghiên cứu khảo sát hơn 12.000 người từ 12 thị trường ở Châu Á do mạng lưới agency hàng đầu thế giới McCann Worldgroup thực hiện cho thấy, 2/3 số người được hỏi tin rằng họ không phải rời khỏi Châu Á để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này cho thấy, nhiều người tin tưởng rằng nguyện vọng của mình cuối cùng sẽ được đáp ứng tại quê nhà.
Bà Shilpa Sinha, giám đốc chiến lược khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của McCan Worldgroup chia sẻ: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là những người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng cao đối với ý tưởng rằng tương lai của họ thuộc về khu vực này, trong đó nhiều người cho biết họ đặt nhiều hy vọng hơn vào tương lai của mình ở Châu Á hơn là ở phương Tây”.
Để người châu Á tiếp tục cảm thấy lạc quan về triển vọng châu Á, chính phủ các nước trong khu vực phải nỗ lực rất nhiều. Việc tăng cơ sở thuế ở các quốc gia như Indonesia có thể giúp tăng thêm nguồn thu rất cần thiết cho ngân sách giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi đây là hai ngành ưu tiên.
Cùng với đó, ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng khó khăn thông qua nhiều chương trình kích thích.
Oxford Economics dự đoán, tầng lớp trung lưu ở các thị trường mới nổi sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, tức mở rộng từ 354 triệu hộ gia đình vào năm 2024 lên 687 triệu vào năm 2034. Ngay cả khi Trung Quốc không còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới, nước này vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu.
Đến năm 2029, dự kiến cứ 3 người tiêu dùng trung lưu thì có 2 người đến từ châu Á. Sự gia tăng lớn nhất sẽ đến từ các nước nhưTrung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Tất cả những điều này đòi hỏi chính phủ của các quốc gia trong khu vực phải có chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như khai thác tiềm năng của tầng lớp trung lưu hiện tại.
Đan Lê (Lược dịch từ The Straitstimes)