Tiềm năng lớn tại thị trường Nga
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2023, GDP của Nga đạt 2.020 tỷ USD, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 4 theo sức mua tương đương (PPP). Với dân số 143,8 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 13.800 USD, Nga không chỉ là một thị trường lớn mà còn mang lại nhiều cơ hội thương mại hấp dẫn.
Là quốc gia rộng nhất thế giới, Nga sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là đứng thứ ba thế giới về dầu mỏ, đứng thứ hai về sản lượng khí đốt, kim loại quý hiếm, than và gỗ.
Những tài nguyên này đóng góp 25% GDP và hơn 50% doanh thu xuất khẩu của Nga, khẳng định vai trò của nước này trong thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, kinh tế Nga không chỉ dựa vào tài nguyên. Các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, bán lẻ, giáo dục và y tế chiếm tới 60% GDP, thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa và mạng lưới dịch vụ công quy mô lớn.
Ngoài ra, nền công nghiệp Nga cũng rất đa dạng, với các ngành chủ lực như ô tô, máy móc, hóa chất và quốc phòng. Ngành nông nghiệp Nga phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong sản xuất ngũ cốc, thịt và sữa, đáp ứng tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Đáng chú ý, Nga đang tăng cường hợp tác kinh tế với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Cảng Vladivostok, một cảng quan trọng ở bờ Đông nước Nga giúp kết nối giao thương giữa nước này với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh chụp từ Google Earth.
Ở nước này, tiếng Nga được coi là ngôn ngữ chính thức. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đang gây áp lực lên nguồn lao động và hệ thống phúc lợi xã hội.
Về nhập khẩu, theo Trung tâm thương mại quốc tế ITC, Nga có nhu cầu lớn đối với máy móc, thiết bị điện, dược phẩm, nhựa, hóa chất hữu cơ, trái cây và hàng dệt may. Những mặt hàng này thường xuyên nằm trong danh sách các sản phẩm mà người Nga chi từ 4 tỷ USD trở lên mỗi năm để nhập khẩu.
Có thể thấy, Nga đang là thị trường xuất khẩu lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, bởi nhu cầu cao và tính bổ trợ trong hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước
Quan hệ thương mại Việt Nam – Nga: Những bước tiến vượt bậc
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga được thiết lập từ năm 1950 và nâng lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2012, đến nay đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, thương mại đang là một điểm nhấn giữa quan hệ hai nước, đặc biệt kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực vào tháng 10/2017.
Thương mại song phương đã liên tục tăng gần 30% trong giai đoạn 2016-2018 nhờ tác động tích cực từ hiệp định thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác.
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Nga đạt 4,58 tỷ USD, tăng 26% so với năm trước đó, theo Tổng cục Hải quan. Trong vòng 15 năm qua, con số này đã tăng 2,5 lần. Tuy nhiên, đà tăng trưởng qua các năm khá ‘trồi sụt’. Cán cân thương mại phần lớn nghiêng về Việt Nam.
Đáng chú ý, lãnh đạo hai nước thời gian gần đây đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2030, gấp 3,3 lần so với năm 2024, là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Về xuất khẩu, Nga đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 của hàng hóa Việt. Trong khi đó, Việt Nam cũng đứng 19 về kim ngạch trong các nước mà Nga nhập khẩu hàng hóa.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Nga đạt 2,34 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm dệt may, cà phê, máy móc và thiết bị, thủy sản, rau quả, hạt điều, cao su…
Theo số liệu TheLEADER thống kê từ Tổng cục Hải quan, các năm gần đây, hàng dệt may, cà phê, thủy sản đã có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc sang Nga. Đặc biệt là hàng dệt may khi năm 2024 đã tăng trưởng 13,6 lần so với 15 năm trước.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy một phần bởi việc khắc phục các khó khăn trong quá trình thanh toán do xung đột Nga – Ukraine. Hiện tại, các giao dịch thương mại chủ yếu được thực hiện bằng VND và đồng Rúp thông qua Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB).
Bên cạnh việc thanh toán, đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết thời gian qua, nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại Việt Nam - Nga đã được hai bên phối hợp triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải.
Đến nay, giữa Việt Nam và Nga đã có tuyến vận tải biển trực tiếp thường xuyên giữa Vladivostok và TP.HCM, Hải Phòng, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển xuống còn 9 - 12 ngày. Nga cũng đã triển khai cấp visa điện tử cho công dân Việt Nam từ ngày 1/8/2023, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với thị trường này.
Theo ITC, với tính bổ trợ cao giữa hai nền kinh tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, dệt may, thủy sản và máy móc đã chiếm từ 10 - 20% kim ngạch nhập khẩu của Nga.
Trong khi đó, Nga là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ 20. Năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ Nga đạt 2,25 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với 15 năm trước. Các mặt hàng Nga được nhập khẩu nhiều nhất gồm than, phân bón, lúa mỳ, thủy sản, hóa chất…
Nhìn chung, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nga đang mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Với tiềm năng lớn của thị trường Nga và tính bổ trợ cao trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng các lợi thế như tuyến vận tải biển trực tiếp, chính sách visa điện tử và hệ thống thanh toán linh hoạt để gia tăng hiện diện tại thị trường Nga.
Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển thương hiệu và mở rộng thị phần, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên tầm cao mới, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế.
Nhật Hạ