Theo Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau". Theo đó, văn bằng hệ đào tạo từ xa có giá trị pháp lý như hệ đào tạo chính quy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, nhiều trường đại học đã mở rộng đào tạo hệ từ xa ngành Ngôn ngữ Anh, áp dụng đa dạng các tiêu chí tuyển sinh và phương thức đào tạo, thậm chí ở một số cơ sở giáo dục đại học chỉ tiêu hệ từ xa ngành này cao ngất ngưởng so với hệ chính quy. Điều này được thể hiện rõ trong bài viết "Hệ từ xa Ngôn ngữ Anh ở một số CSGDĐH có chỉ tiêu cao hơn nhiều so với chính quy".
Theo các chuyên gia giáo dục, mặc dù hệ đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích cho người học nhưng sự phát triển mạnh mẽ của hình thức đào tạo này vẫn có thể tiềm ẩn không ít rủi ro nếu thiếu sự quản lý và giám sát chặt chẽ.
Học từ xa là xu hướng nhưng dễ dẫn tới "lạm phát" cấp bằng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, không phải tất cả các chương trình đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh trên thực tế đều đảm bảo chất lượng.
"Với việc các chương trình đào tạo đại học chính quy đang ngày càng siết chặt quy định về chuẩn đầu vào và đầu ra, đặc biệt là yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ, áp lực đối với người học cũng tăng lên đáng kể. Điều này khiến không ít người tìm đến những giải pháp dễ dàng hơn đó là học hệ đào tạo từ xa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết.
Cũng theo thầy Dũng, khi không phân biệt giữa các hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp có thể dẫn đến những hệ lụy, gây khó khăn cho các nhà tuyển dụng trong việc đánh giá đúng năng lực và trình độ thực tế của ứng viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
"Mặc dù với sự tiến bộ của công nghệ, việc tương tác giữa giảng viên và người học có thể thực hiện được và vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng tôi cho rằng chất lượng đào tạo từ xa khó có thể đạt được như sinh viên chính quy học trực tiếp tại trường", thầy Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc triển khai hệ đào tạo từ xa nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ có nguy cơ làm suy giảm chất lượng giảng dạy, dẫn đến tình trạng “lạm phát” bằng cấp. Không ít cơ sở đào tạo hiện nay đang tập trung thu hút sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa bằng cách hạ tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra, nhằm đạt được chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra.
Hệ đào tạo từ xa trong đó có ngành Ngôn ngữ Anh đôi khi được xem như một “con đường tắt” giúp người học có thể đạt được tấm bằng cử nhân mà không phải trải qua những tiêu chuẩn khắt khe như ở hệ đại học chính quy.
Theo thầy Tống, đối với các chương trình đào tạo từ xa, mặc dù tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng chất lượng đào tạo và năng lực thực tế của người học vẫn là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. (Ảnh: NVCC)
Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc không phân biệt hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp là một vấn đề đáng lưu ý. Việc này vô hình trung dẫn đến sự bất công trong công tác đánh giá chất lượng sinh viên và chương trình đào tạo; người sử dụng lao động gặp khó khăn trong việc đánh giá chính xác năng lực của ứng viên.
Còn theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, mỗi hình thức đào tạo đều có thể phát sinh tình trạng gian lận. Đặc biệt, với hình thức đào tạo từ xa, nếu không có công cụ kiểm soát hiệu quả, nguy cơ xảy ra gian lận càng cao.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC)
“Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng ở các nước phát triển, các tổ chức giáo dục hoặc nhà tuyển dụng thường đánh giá năng lực ngoại ngữ của ứng viên thông qua các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC,... hoặc bằng cách tổ chức các bài kiểm tra trực tiếp. Đây là cách tiếp cận minh bạch, giúp đảm bảo ứng viên có đủ năng lực ngôn ngữ cần thiết.
Việc học tiếng Anh là một mục tiêu đáng khuyến khích, không chỉ góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của cá nhân. Tuy nhiên, nếu tồn tại những kẽ hở, cho phép các trường đại học dễ dàng cấp bằng mà không chú trọng đến chất lượng, hoặc nếu người học không thể chứng minh năng lực thông qua các kỳ thi quốc tế mà phải tìm cách hợp thức hóa bằng cấp thì đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Do đó, chuyên gia này đề xuất, cơ quan quản lý cần rà soát và điều chỉnh lại các quy định hiện hành, nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng thực sự của hình thức đào tạo từ xa.
Cần giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa
Để đảm bảo chất lượng đào tạo của hình thức đào tạo từ xa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng đề xuất rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý các chương trình đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng, cũng như hệ đào tạo từ xa nói chung.
“Hiện nay, nhiều trường đại học đặt số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa ngành Ngôn ngữ Anh vượt xa so với hệ đại học chính quy, thậm chí có nơi gấp từ 5 đến 7 lần. Điều này tạo ra một xu hướng không lành mạnh trong việc sở hữu tấm bằng cử nhân.
Mặc dù hệ đào tạo từ xa mang lại sự linh hoạt cho người học, giúp họ có thể vừa làm vừa học nhưng nếu không có sự kiểm soát nghiêm ngặt, hình thức này dễ bị lợi dụng. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quy định về chuẩn đầu vào, đầu ra của các chương trình đào tạo từ xa, đồng thời quy định về chỉ tiêu của hệ đào tạo từ xa một cách hợp lý.
Theo tôi, một giải pháp có thể áp dụng là giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đào tạo từ xa, đảm bảo rằng số lượng chỉ tiêu/ngành không vượt quá 1/3 so với hệ đại học chính quy. Biện pháp này không chỉ góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn giúp giảm thiểu tình trạng lạm phát bằng cấp. Khi đó tấm bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh thực sự có giá trị và đáp ứng được yêu cầu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng kiến nghị.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngân Chi)
Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, song song với việc giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa như một biện pháp kiểm soát chất lượng, cần phải xem xét kỹ lưỡng về yếu tố địa lý trong việc tổ chức thi và quản lý quá trình đào tạo.
Khoản 3 Điều 7 của Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT quy định: “Việc tổ chức thi kết thúc học phần phải được thực hiện tập trung tại cơ sở giáo dục đại học hoặc tại Trạm đào tạo từ xa, được giám sát bởi cán bộ của cơ sở giáo dục đại học”.
Theo thầy Tống, việc tổ chức thi kết thúc học phần tại các trạm đào tạo từ xa đôi khi gặp khó khăn trong việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình kiểm tra. Thực tế cho thấy, khi các kỳ thi được tổ chức ở những nơi có trang thiết bị và cơ sở vật chất còn hạn chế, chất lượng kiểm tra có thể bị ảnh hưởng.
Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh rằng cần quản lý chặt chẽ hơn các điều kiện của địa điểm tổ chức và điều kiện thi kết thúc học phần. Đồng thời, cơ quan quản lý giáo dục cần thiết lập các quy định cụ thể, rõ ràng và hiệu quả, nhằm bảo đảm rằng việc kiểm tra và đánh giá năng lực sinh viên trong các chương trình đào tạo từ xa được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Hải Đường