Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan, ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Khoản tiền 300 tỷ USD sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển để giúp họ từ bỏ than, dầu và khí đốt, đồng thời khắc phục thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu gây ra.
Số tiền này nhỏ hơn rất nhiều so với mức 1,3 nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển yêu cầu, nhưng gấp 3 lần thỏa thuận 100 tỷ USD đạt được năm 2009.
Tuy nhiên, mức cam kết này quá thấp so với kỳ vọng của nhiều bên, khiến đại diện nhiều nước đang phát triển rất tức giận vì ý kiến của họ không được quan tâm.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev đã gõ búa chấp thuận thỏa thuận trước khi bất kỳ quốc gia nào có cơ hội phát biểu. Vì thế, đại diện nhiều nước chỉ trích chủ nhà bất công, chỉ trích thỏa thuận không đủ và chỉ trích các quốc gia giàu có keo kiệt.
“Đó là một khoản tiền quá nhỏ. Tôi rất tiếc khi phải nói rằng chúng tôi không thể chấp nhận nó”, đại diện đàm phán Ấn Độ Chandni Raina tuyên bố.
Bà nói với AP rằng đã mất niềm tin vào cơ chế này. Nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ bất bình.
Bà Nkiruka Maduekwe - Tổng giám đốc điều hành Hội đồng quốc gia về biến đổi khí hậu của Nigeria, gọi thỏa thuận này là “sự xúc phạm” và “trò đùa”.
“Tôi thất vọng. Con số này thấp hơn quá nhiều so với mức mà chúng tôi đã đấu tranh bấy lâu nay. Chúng tôi xin chia buồn với tất cả các quốc gia cảm thấy như họ đã bị chà đạp”, ông Juan Carlos Monterrey thuộc phái đoàn Panama cho biết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X, rằng ông hy vọng sẽ có “một kết quả tốt hơn”, nhưng vẫn cho rằng con số này tạo ra cơ sở để tiếp tục hơn nữa.
Trong khi đó, có những bên khá hài lòng với thỏa thuận đạt được. Đại diện Wopke Hoekstra của Liên minh châu Âu gọi đây là kỷ nguyên mới của quỹ khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan gọi thỏa thuận này là "một sự giải tỏa lớn".
Quan chức Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell gọi thỏa thuận này là "phí bảo hiểm cho nhân loại", nên “nó chỉ có hiệu quả nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn".
Thỏa thuận này được coi là một bước tiến để giúp các quốc gia đề ra những mục tiêu tham vọng hơn nhằm hạn chế hoặc cắt giảm lượng khí thải, sau khi thỏa thuận cũ hết hạn vào đầu năm sau. Đây là một phần của kế hoạch tiếp tục cắt giảm ô nhiễm như chủ trương đã được nhất trí tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris năm 2015.
Bình Giang
Theo AP