Yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên hiện nay là điều kiện bắt buộc để có thể tốt nghiệp ra trường. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Do đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu.
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để sinh viên có thể tốt nghiệp ra trường. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, cùng là tiếng Anh nhưng mỗi trường lại yêu cầu một chuẩn, cộng với việc nhiều sinh viên không chú trọng đến môn học này nên đã không thể tốt nghiệp ra trường như chương trình đào tạo.
Nguyễn Hải Nam - sinh viên khóa 2020-2024 Học viện Phụ nữ Việt Nam là ví dụ điển hình. Nhiều khả năng, năm 2024 Nguyễn Hải Nam không đủ điều kiện xét tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu như vậy, việc tốt nghiệp của nam sinh này có thể sẽ kéo dài thêm 1 năm so với chương trình đào tạo của trường.
Chia sẻ với phóng viên, Hải Nam cho biết, ngành học em lựa chọn là một trong những chuyên ngành có chương trình đào tạo chuyên sâu nên yêu cầu tiếng Anh B2 (tương ứng bậc 3) theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu.
“Cuối năm 2023, em đã hoàn thành chương trình học của mình, vì theo quy định mới sinh viên được phép đăng ký tín chỉ học vượt nên em chỉ mất thời gian 3,5 năm. Tuy nhiên, vì mải mê đi làm thêm nên em đã bỏ lỡ kỳ thi chuẩn đầu ra về năng lực tin học và chuẩn đầu ra về ngoại ngữ dẫn đến việc bị muộn thời gian nộp hồ sơ xét tốt nghiệp vào tháng 5/2024”, Hải Nam chia sẻ.
Hiện nay, B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên. Tuy nhiên, nhiều trường yêu cầu mức cao hơn, thường là với các ngành liên quan đến ngôn ngữ nước ngoài, ngành chất lượng cao, chương trình liên kết hoặc một số ngành kinh tế hay chương trình trình song ngữ… Thực tế này đôi lúc khiến sinh viên vất vả chạy theo khi trường thay đổi và nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng tùy chỉnh chương trình đào tạo theo từng ngành, xây dựng lộ trình học tiếng Anh linh hoạt. Bởi vì sẽ có sự khác biệt đáng kể trong khả năng đạt chuẩn tiếng Anh giữa các ngành học khác nhau. Sự khác biệt này thường xuất phát từ nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong từng ngành, mức độ tương tác với môi trường quốc tế và nền tảng của sinh viên khi nhập học.
Mỗi sinh viên có nền tảng ngoại ngữ khác nhau nên các trường cần kiểm tra trình độ ngay từ năm nhất, để xây dựng lộ trình học tập phù hợp. Nhóm sinh viên có năng lực tốt sẽ theo các lớp nâng cao, trong khi những em cần hỗ trợ sẽ tham gia các khóa bổ trợ để cải thiện từ “gốc”.
Theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giảng viên ngôn ngữ Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Có nhiều khó khăn trong việc học ngoại ngữ, nhưng trước khi bắt đầu học, các em nên có mục tiêu cụ thể; có định hướng học tập phù hợp với bản thân thông qua hình thức học thêm hoặc tự học. Đặc biệt, trong việc học phát âm hoặc kỹ năng nghe, đa số sinh viên đều không tốt ở 2 kỹ năng này nên thi chứng chỉ ngoại ngữ không đạt yêu cầu đầu ra, dẫn đến việc phải thi lại nhiều lần, kéo dài thời gian tốt nghiệp.
Như Hoàng