Nguyễn Duy Linh, sinh năm 2001, hiện là nhân viên tại Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), tiền thân là Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Cậu tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống Điện, khoa Điện, trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Kỹ sư điện Nguyễn Duy Linh.
Thông tin từ Trường Điện - Điện tử cho biết, Duy Linh tốt nghiệp xuất sắc sớm một học kỳ và là sinh viên duy nhất của khoa Điện nhận khen thưởng từ Giám đốc Đại học trong đợt tốt nghiệp tháng 5/2024.
Nguyễn Duy Linh còn là thành viên phòng thí nghiệm Smart Energy Lab do TS. Nguyễn Quốc Minh làm chủ nhiệm từ cuối năm thứ ba.
Đặc biệt, tại Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu khoa học khối Kỹ thuật năng lượng (SF 2023), Linh đã giành được 4 giải thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 2 giải Thuyết trình xuất sắc nhất. Trước khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Duy Linh có 8 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước lẫn quốc tế và 2 bài báo khác đang chờ phản biện.
Duy Linh và chủ nhiệm Smart Energy Lab - TS. Nguyễn Quốc Minh trong ngày tốt nghiệp.
Quê Hưng Yên, Nguyễn Linh vốn được nhiều người biết đến từ lúc 5 tuổi khi một tờ báo địa phương đưa tin về trường hợp cậu bé thông minh trước tuổi. Bài báo vào tháng 6/2006 đã miêu tả cậu: "Tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng đã có tư duy của học sinh lớp 3, lớp 4; đã đọc thông, viết thạo, thuộc hết bảng cửu chương, làm được các phép tính nhân ba chữ số.”
Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam - báo Tiền Phong, Duy Linh chia sẻ, việc được biết đến từ sớm khiến cậu gặp không ít áp lực từ kỳ vọng của mọi người. Việc đáp ứng những kỳ vọng ấy không hề dễ dàng bởi cậu luôn phải duy trì nỗ lực để có thành tích xuất sắc như mọi người mong đợi.
Duy Linh cùng mẹ xuất hiện trên báo vào năm 2006 và tại lễ tốt nghiệp đại học hồi tháng 5/2024.
Đến cấp ba, Duy Linh trúng tuyển lớp chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Hưng Yên và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, có khoảng thời gian cậu gần như “trắng tay” tại các cuộc thi. Điều này khiến cậu gặp nhiều căng thẳng tâm lý và đời sống tuổi dậy thì sôi nổi bỗng rơi vào khoảng lặng.
Chỉ đến khi nhận được động viên, quan tâm từ gia đình, thầy cô và bạn bè, Duy Linh mới hiểu rằng mọi áp lực đều xuất phát từ suy nghĩ non nớt của bản thân. Trải nghiệm đó giúp cậu trưởng thành hơn và là bài học mà cậu vẫn ghi nhớ đến tận bây giờ.
“Mình nhận ra rằng mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau, chỉ cần cố gắng để bản thân của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và thua kém chính mình trong ngày mai”, Linh nêu suy nghĩ.
Ngoài các cách học như tập trung nghe giảng trên lớp, đọc trước giáo trình hay trao đổi cùng bạn bè, Duy Linh có thói quen dồn sức ôn tập khoảng nửa tháng trước khi thi. Duy Linh chọn khung giờ từ 4h - 5h30 để học, sau đó có giấc ngủ ngắn 30 phút đến 1 tiếng trước khi bắt đầu ngày mới. Điều này giúp cậu giữ được sự tỉnh táo cũng như có được khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày để ôn luyện.
Ở trường, Duy Linh còn được mọi người biết đến với khả năng làm đồ handmade như khắc bút chì, khắc chân dung trên lá. Cậu bắt đầu thích làm các đồ trang trí đơn giản như nhà mô hình từ tăm tre từ tiểu học. Năm lớp 10, thấy bạn cùng bàn mỗi giờ ra chơi lại dùng dao rọc giấy gọt tỉa bút chì để tạo chữ, nên cậu cũng tò mò học theo.
“Mới đầu chưa quen nên tay chi chít vết xước. Trộm vía mình cũng có chút hoa tay nên chưa bị thương lần nào. Sau đó quen dần với cơ bản rồi nên mình tự mày mò làm tiếp, rồi tăng dần độ khó chuyển sang khắc chân dung trên lá cây. Thoắt cái đến nay cũng hơn 8 năm rồi”, Linh nhớ lại.
Một số tác phẩm handmade cho thấy sự khéo tay của Duy Linh.
Vốn là dân chuyên Hóa và theo định hướng của gia đình, Linh ban đầu đặt mục tiêu thi đại học nhóm ngành Y Dược. Nhưng trong một lần theo bạn tham gia ngày hội tuyển sinh, cậu bị thu hút bởi lời tư vấn của các giảng viên về các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như triển vọng của điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam.
Vậy là chàng trai quyết định “quay xe”, chọn thi vào ngành Điện của Đại học Bách khoa. Để rồi ngay sau khi tốt nghiệp, với bộ hồ sơ nhiều thành tích ấn tượng, Linh lại có quyết định làm khá nhiều người bất ngờ khi thi tuyển vào một doanh nghiệp nhà nước, bởi ước mơ trở thành một điều độ viên điện lực.
Linh cho biết, qua hai lần thực tập thời sinh viên tại NSMO đã giúp cậu nhận ra vai trò tiên phong của ngành điện lực trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội, cũng như hiểu rằng một quốc gia muốn phát triển bền vững thì cần có một hệ thống điện an toàn, ổn định, tin cậy và hiệu quả.
Hiện Linh đang trải qua quá trình đào tạo để trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho việc chỉ huy, điều độ hệ thống điện quốc gia, nhằm giữ cho nguồn điện được vận hành liên tục, an toàn, ổn định và kinh tế. Điều độ viên là nghề ngồi trên “ghế nóng”, mang tính đặc thù cao với nhiều áp lực và nguy hiểm.
“Một thao tác sai hay mệnh lệnh không chính xác có thể gây hậu quả nghiêm trọng, từ việc mất điện trên diện rộng hay hư hỏng thiết bị. Nguy hiểm hơn là đe dọa tính mạng của những người đang làm việc trên đường dây nếu lệnh đóng điện nhầm vào khu vực đang sửa chữa” - Nguyễn Duy Linh giải thích.
Duy Linh tại cơ quan trong ngày đầu đi làm.
Chàng trai 23 tuổi tâm sự, sau gần bốn tháng làm việc chính thức, cậu cảm nhận rõ hơn nhiệt huyết, say mê với nghề và mong muốn nhanh chóng trải qua quá trình đào tạo để được trực tiếp góp công sức trong việc đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Gửi thông điệp đến các độc giả trẻ của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Duy Linh nhắn nhủ: “Xã hội hiện nay là nơi mà ‘cá nhanh nuốt cá chậm’. Hãy không ngừng khám phá và theo đuổi đam mê, đồng thời đừng ngần ngại trải nghiệm những điều mới mẻ. Giai đoạn sinh viên chính là thời điểm lý tưởng nhất để các bạn bước khỏi vùng an toàn của chính mình”.
Ảnh: NVCC
Trịnh Vũ Lam Trang