Nhiều Sở GDĐT rốt ráo xây dựng kế hoạch để đạt mức độ 3 về chuyển đổi số

Nhiều Sở GDĐT rốt ráo xây dựng kế hoạch để đạt mức độ 3 về chuyển đổi số
11 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển không ngừng.
Nhằm thúc đẩy và đồng bộ hóa quá trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo” (gọi tắt là Bộ chỉ số). Bộ chỉ số cung cấp một hệ thống tiêu chí rõ ràng và cụ thể để đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương.
Mức độ chuyển đổi số đối với các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương được đánh giá theo thang điểm tối đa là 100 điểm, kết quả được đánh giá ở ba mức độ:
Mức độ 1 (chưa đáp ứng): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số dưới 50 điểm.
Mức độ 2 (đáp ứng cơ bản): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số từ 50 đến 75 điểm.
Mức độ 3 (đáp ứng tốt): Tổng điểm đánh giá của Bộ chỉ số trên 75 điểm.
Việc ban hành Bộ chỉ số mang lại nhiều tác động tích cực
Đánh giá về tác động của Bộ chỉ số đối với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục tại địa phương, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết: "Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp đầy đủ các tiêu chí để đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan quản lý giáo dục.
Bộ chỉ số đánh giá được công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số của các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương; đảm bảo tính khoa học; đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng về công tác chuyển đổi số.
Bộ chỉ số cũng giúp ngành Giáo dục xác định hiện trạng về chuyển đổi số (điểm mạnh, điểm yếu cần cải thiện) của ngành, đồng thời giúp dễ dàng xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương"
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tuyên - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang khẳng định, Bộ chỉ số có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại địa phương, đặc biệt ở khu vực miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang, cụ thể:
Định hướng rõ ràng cho công tác chuyển đổi số: Bộ chỉ số cung cấp khung tham chiếu cụ thể để Sở Giáo dục và Đào tạo và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá hiện trạng và xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên triển khai.
Tạo động lực thúc đẩy sự thay đổi: Việc phân loại mức độ chuyển đổi số và yêu cầu báo cáo đánh giá hàng năm sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý giáo dục tại đặt mục tiêu cụ thể và thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm mục tiêu đề ra. Đây cũng là động lực để các cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý và giảng dạy.
Góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương: Tuyên Quang là tỉnh miền núi với nhiều khu vực khó khăn về hạ tầng công nghệ, việc ban hành Bộ chỉ số là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu tập trung nguồn lực đầu tư, ưu tiên các khu vực thiếu thốn.
Thúc đẩy hợp tác và học hỏi: Bộ chỉ số cũng tạo điều kiện để qua quá trình đánh giá hằng năm, các huyện trong tỉnh học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những mô hình tốt và hợp tác giữa các địa phương.
Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Công tác chuyển đổi số trong giáo dục thu được nhiều kết quả
Chia sẻ cụ thể công tác chuyển đổi số trong giáo dục ở địa phương, ông Đỗ Quang Khôi cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã xây dựng và chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, dựa trên kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với kết quả đạt được, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của tỉnh đang tiệm cận Mức độ 3 (mức đáp ứng tốt).
Những yếu tố chính tác động đến kết quả này trước tiên là nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp theo đó là nguồn nhân lực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số; và cuối cùng là kinh phí thực hiện.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, ông Lê Văn Tuyên thông tin, lãnh đạo Sở đã triển khai nhiều hoạt động trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy và học tập trên toàn tỉnh. Trong đó có: Chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục; Tăng cường kết nối hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo tiêu chí của Bộ chỉ số, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của địa phương hiện đạt: Mức độ 2 (mức đáp ứng cơ bản). Tổng điểm ước tính khoảng 60–70 điểm.
Về thành tựu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được số hóa tương đối tốt; nhiều trường học đã bước đầu tiếp cận chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thực hiện việc mở rộng hạ tầng công nghệ và nâng cao năng lực số của đội ngũ giáo viên và học sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng đề cập đến kết quả đạt được của công tác chuyển đổi số, ông Châu Chí Quang - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030, công tác chuyển đổi số ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo được tăng cường; áp dụng chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, quản lý và cơ sở dữ liệu; triển khai dịch vụ trực tuyến; tập trung phát triển nguồn nhân lực.
Ông Châu Chí Quang - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC.
Xây dựng kế hoạch để đạt đánh giá chuyển số mức độ 3
Để đạt Mức 3 (mức đáp ứng tốt) trong công tác chuyển đổi số, ông Đỗ Quang Khôi chia sẻ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch cụ thể.
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn triển khai chuyển đổi số theo Kế hoạch chuyển đổi số của Sở và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Giáo dục thành nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh trong Kế hoạch chuyển đổi số hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hệ thống tuyển sinh đầu cấp; Hệ thống Kiểm định chất lượng giáo dục; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho các trường trung học phổ thông; Hệ thống quản lý và số hóa hồ sơ văn bằng, chứng chỉ.
Ngoài ra, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 như: Đầu tư cơ sở vật chất chuyển đổi số phục vụ dạy học; Kho học liệu dùng chung, quản lý dạy học và thi trực tuyến; Kho học liệu số 3D, học liệu mô phỏng; Đầu tư xây dựng phòng học thông minh theo định hướng xây dựng trường học thông minh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học. Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai chuyển đổi số đến từ việc thiếu hụt hạ tầng công nghệ thông tin và năng lực số không đồng đều.
Nhiều trường học không đủ máy tính, máy chiếu, bảng thông minh; học sinh vùng khó khăn thiếu thiết bị học tập trực tuyến; thiếu nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng học liệu số (các trường chủ yếu dùng nền tảng miễn phí nên dữ liệu còn phân tán).
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như năng lực số của cán bộ, giáo viên và học sinh, việc tiếp cận công nghệ của những đối tượng trên không đồng đều; thiếu ngân sách đầu tư lâu dài, chuyển đổi số đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế; một số phụ huynh và học sinh ở vùng sâu chưa nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đối với giáo dục, dẫn đến tâm lý e ngại khi thay đổi cách học.
Ông Lê Văn Tuyên cho biết, để đạt mức đánh giá cao hơn, phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang tập trung: Ưu tiên hạ tầng và thiết bị, tiếp tục đầu tư thêm máy tính, máy chiếu, bảng thông minh, và thiết bị giảng dạy hiện đại; Tăng cường đào tạo và phát triển năng lực số, đưa nội dung về chuyển đổi số vào kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Phát triển đội ngũ chuyên gia số hóa, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Tổ Công nghệ thông tin tại Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ trường học trong triển khai chuyển đổi số.
Đồng thời xây dựng thí điểm mô hình trường học số, lựa chọn một số trường điển hình để triển khai toàn diện các giải pháp chuyển đổi số, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Và học hỏi kinh nghiệm từ địa phương khác, tham gia vào các chương trình chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số giữa các tỉnh.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh, ông Châu Chí Quang bày tỏ, trở ngại lớn nhất gặp phải trong công tác chuyển đổi số là về nguồn nhân lực quản lý, điều hành các phần mềm tại cơ sở giáo dục nên việc đồng bộ, cập nhật chính xác cơ sở dữ liệu giữa các phần mềm còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hạ tầng thiết bị, công nghệ của một số học sinh, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Việc triển khai các cơ chế chính sách về chuyển đổi số (ưu tiên kinh phí, chế độ cho cán bộ tích cực trong chuyển đổi số) chưa kịp thời.
Trước những hạn chế, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục: cần nâng cao nhận thức, tư tưởng cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.
Thứ hai, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo: cần chú trọng triển khai phần mềm quản lý trường học ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh; xây dựng trung tâm điều hành, giám sát thông tin (IOC) tại Sở Giáo dục và Đào tạo; giúp kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu từ các cơ sở giáo dục trong tỉnh, quản lý thông tin và hỗ trợ ra các quyết định.
Thứ ba, triển khai các giải pháp hỗ trợ công tác dạy – học trực tuyến, thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời.
Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm bảo đảm công tác quản lý, giảng dạy hiệu quả trên môi trường số; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Thứ năm, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Hồng Linh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nhieu-so-gddt-rot-rao-xay-dung-ke-hoach-de-dat-muc-do-3-ve-chuyen-doi-so-post248395.gd