Nhiều trường đại học top đầu tuyển sinh ngành bán dẫn

Nhiều trường đại học top đầu tuyển sinh ngành bán dẫn
9 giờ trướcBài gốc
Năm nay, trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở 5 ngành mới, gồm: Công nghệ sinh học, Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.
Trong đó, với ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật) trường dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu cho 3 phương thức gồm: xét tuyển thẳng thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội (24 chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực (36 chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (60 chỉ tiêu).
Ba trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: trường đại học Công nghệ, trường đại học Khoa học tự nhiên và trường đại học Việt Nhật cũng lần đầu mở chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành bán dẫn.
Đại học Bách khoa Hà Nội không có ngành bán dẫn nhưng có ngành gần là Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano.
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành bán dẫn của các trường năm 2025 cụ thể như sau.
Vì sao ngành công nghiệp bán dẫn hot?
Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 cử nhân/kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn như: thiết kế, đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị vi mạch, chất bán dẫn.
Trong đó, khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất, đóng gói và kiểm thử chip, 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ, sở dĩ ngành bán dẫn hot trong một vài năm qua vì nhu cầu nguồn nhân lực cho việc thực hiện nghị quyết 57/NQTW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tới đây là rất lớn.
Cũng theo PGS Lập, đón nhận nhiệm vụ này thì các trường đại học đang mở rộng quy mô cũng như mở mới một số ngành học có liên quan, đặc biệt các ngành khoa học công nghệ. Tất nhiên các ngành này cũng thu hút một số lượng lớn thí sinh quan tâm và đăng ký xét tuyển vào học.
Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong 5 trường trọng điểm quốc gia về kỹ thuật, công nghệ được Chính phủ quan tâm đầu tư về tiềm lực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược và chuyển đổi số quốc gia cùng với bề dày kinh nghiệm trong đào tạo các ngành công nghệ số như: Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật dữ liệu, Vi mạch bán dẫn, Công nghệ đa phương tiện, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử viễn thông, IoT- internet kết nối vạn vật...sẽ là địa chỉ để các sinh viên lựa chọn.
Ông Lập cũng cho rằng, cùng với các ngành kỹ thuật công nghệ như trình bày ở trên thì ngành Vi mạch bán dẫn trong tương lai sẽ cần một số nguồn nhân lực khá cao, dự báo trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người và trong 10 năm tới khoảng 50.000 người ở trình độ đại học trở lên.
“Trong khi đó hiện nay chúng ta mới có trên 5.000 kỹ sư thiết kế chip. Đây cũng là một ngành học khó, lai ghép giữa công nghệ thông tin và kỹ thuật điện tử”- ông Lập nêu quan điểm.
Đỗ Hợp
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nhieu-truong-dai-hoc-top-dau-tuyen-sinh-nganh-ban-dan-post1733957.tpo