Nhiều ý kiến xoay quanh dự thảo miễn học phí cho con em giáo viên

Nhiều ý kiến xoay quanh dự thảo miễn học phí cho con em giáo viên
6 giờ trướcBài gốc
Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì là một trong những trường đi đầu xây dựng trường học hạnh phúc.
Thực tế cho thấy, đề xuất này nhằm hướng tới mong muốn chăm lo tốt hơn cho đời sống giáo viên nhưng nhiều ý kiến cho rằng, so với nhiều ngành nghề khác, mặt bằng lương giáo viên không thấp đến nỗi phải miễn học phí để đảm bảo việc đến trường cho con em trong ngành. Hơn nữa, ngay trong nghề giáo, thu nhập của giảng viên đại học khác xa giáo viên mầm non, tiểu học. Như vậy có sự không đồng nhất nếu đều miễn học phí như nhau.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - nguyên là giáo viên một trường tiểu học tại TP Việt Trì bày tỏ quan điểm: Cách cho đúng nhất với các thầy cô là có một chính sách lương phù hợp với vị trí nghề nghiệp của họ, nhất là với giáo viên mầm non, tiểu học. Việc miễn học phí cho con em ngành Giáo dục dễ dẫn đến sự phân biệt, gây tổn thương cho chính người thầy và sự so bì giữa các ngành nghề khác. Của cho không bằng cách cho, điều cần quan tâm chính là lòng tự trọng của nhà giáo.
Vốn dĩ đây là một đề xuất mang ý nghĩa nhân văn nhưng lại có thể tạo nên khoảng cách, tạo nên sự “phân tầng” giữa con của giáo viên và bạn bè có bố mẹ làm những công việc khác. Trong khi Nhà nước ta đang thực hiện bình đẳng giữa mọi tầng lớp trong xã hội, điều này cần được thể hiện ngay trong môi trường giáo dục. Tất cả trẻ em đều được đến trường và được hưởng mọi quyền lợi giống nhau.
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tiên Cát, TP Việt Trì.
Ở góc nhìn khác, việc miễn học phí cho con giáo viên cũng sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong chính môi trường giáo dục. Nơi đòi hỏi cao về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các học sinh đều như nhau, trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu đề xuất miễn học phí được thực hiện, chỉ cần nhìn vào danh sách đóng học phí sẽ biết được học sinh nào là con giáo viên. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của những người lao động ở rất nhiều ngành nghề khác, họ sẽ cảm thấy thế nào? Bởi tất cả mọi ngành nghề trong xã hội, không có ngành nào cao quý hơn ngành nào, sự khác biệt giữa các ngành nghề chỉ do đặc thù tính chất và yêu cầu công việc.
Thực tế chính sách giảm hoặc không thu học phí cho học sinh đã được nhiều nước áp dụng từ lâu. Việc thay đổi này đem lại lợi ích tích cực cho nền giáo dục quốc gia. Nhưng thay vì miễn phí toàn bộ cho con giáo viên, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực đó để giảm một phần học phí cho toàn bộ học sinh. Như vậy người dân vừa bớt một phần gánh nặng học hành của con, vừa không gây nên những ý kiến trái chiều như hiện nay. Được biết, tính đến ngày 15/10, cả nước đã có 7 tỉnh, thành công bố miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT trong năm học 2024-2025 gồm: Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Trước đó, ngày 8/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm là hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này.
Trước ý kiến của dư luận, trong đó có cả ý kiến của các thầy cô giáo về đề xuất này, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mục đích của chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành. Tuy nhiên đây mới là dự thảo, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn, từ xã hội và các cơ quan chức năng để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.
Tất Cường
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/nhieu-y-kien-xoay-quanh-du-thao-mien-hoc-phi-cho-con-em-giao-vien-221130.htm