Phó giáo sư Đại học Hàng không Embry-Riddle McCormick lại đánh giá, điều kỳ diệu ấy đã trở thành hiện thực nhờ những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ trong việc cải thiện an toàn hàng không.
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường máy bay Delta Air Lines gặp nạn (Ảnh: Reuters).
"Thật đáng kinh ngạc khi thấy một chiếc máy bay bị lật ngược như vậy mà mọi người vẫn có thể thoát ra khỏi đó. Nhưng tôi đã nghĩ ngay đến khía cạnh kỹ thuật bao gồm thiết kế máy bay. Đó là thành quả của nhiều năm nghiên cứu về hàng không dân dụng giúp tạo nên những điều kỳ diệu", hãng tin CNN dẫn lời PGS McCormick.
Thùng nhiên liệu được đặt trong cánh máy bay
Theo PGS McCormick, những thảm họa hàng không trong quá khứ đã giúp các chuyên gia nhận ra rằng thùng nhiên liệu dùng cho máy bay phản lực nên đặt trong cánh máy bay thay vì đặt trực tiếp ngay bên dưới khoang hành khách.
Vì vậy, khi chiếc Bombardier CRJ900 của hãng hàng không Delta Air Lines hạ cánh khẩn cấp trên đường băng ngày 17/2, cánh phải chứa đầy nhiên liệu của chiếc máy bay đã bị gãy rời gây ra một đám cháy lớn. Chiếc máy bay sau đó tiếp tục trượt đi và lật úp nhưng không gây ra thảm họa đáng kể.
Theo ông Joe Jacobsen, Kỹ sư Hàng không Vũ trụ từng làm việc cho Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), trong trường hợp này, việc phần cánh máy bay bị tách rời đã giúp ngăn đám cháy lan vào khoang hành khách.
"Các bộ phận trong máy bay có thể bị gãy rời ra. Nhưng trong quá trình thiết kế bạn cần xem xét xem chúng có thể bị gãy như thế nào để đảm bảo an toàn", ông Jacobsen nhận xét và cho biết khi một cánh máy bay bị gãy rời hoàn toàn do va chạm, việc loại bỏ lượng nhiên liệu có nguy cơ phát nổ sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
"Chúng tôi muốn tách biệt việc lưu trữ nhiên liệu khỏi khoang hành khách đồng thời đảm bảo rằng thân máy bay có thể dừng lại ở một vị trí ổn định khi xảy ra tai nạn", PGS McCormick nêu rõ.
Trong trường hợp vụ tai nạn của hãng hàng không Delta Air Lines, sau khi trượt dài trên đường băng, chiếc máy bay cuối cùng đã dừng lại trong tư thế ổn định dù đã bị lật ngược.
Song điều quan trọng là tất cả hành khách đều sống sót. Những chiếc ghế chịu lực G16 được cho là có đóng góp không nhỏ để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Ghế chịu lực G16 đảm bảo an toàn cho hành khách
PGS McCormick cho biết, hầu hết các máy bay thương mại hiện đại đều được yêu cầu trang bị ghế đạt chuẩn 16G, nghĩa là chúng có thể chịu được lực gấp 16 lần trọng lực trái đất. Điều này giúp chiếc ghế không bị bung hoặc rơi ra trong một vụ tai nạn hàng không ngay cả khi máy bay bị lật úp.
"Những chiếc ghế theo tiêu chuẩn G16 không được thiết kế để đảm bảo độ bền chắc trong trường hợp máy bay bị tai nạn hơn là mang lại sự thoải mái cho hành khách. Bạn sẽ nhận ra được điều đó nếu đã từng ngồi khoang phổ thông trên máy bay trong nhiều giờ liền", Phó giáo sư McCormick nói thêm.
Các hành khách trên chiếc máy bay Delta Airlines gặp nạn giúp đỡ nhau thoát ra ngoài (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, những chiếc ghế này còn được trang bị một tính năng đơn giản nhưng cũng quan trọng không kém là dây đai an toàn.
"Nếu không có dây an toàn, hành khách chắc chắn sẽ bị văng ra và chịu nhiều chấn thương hơn. Đây là một cũng là một yếu tố vô cùng then chốt giúp cứu mạng các hành khách trong vụ tai nạn này", ông Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ An toàn Hàng không cho hay.
Trong khi đó, nhà phân tích hàng không của CNN Peter Goelz đánh giá nếu vụ tai nạn này xảy ra cách đây vài thập kỷ kết quả nhiều khả năng đã thảm khốc rất hơn nhiều.
"Sự thay đổi cơ bản nhất là tất cả các máy bay thương mại hiện nay đều có ghế cố định chắc chắn được gắn vào hệ thống khung có thể chịu được lực va chạm lên đến 16G. Đồng nghĩa trong một vụ hạ cánh khẩn cấp như thế này nếu bạn thắt dây an toàn đúng cách, bạn sẽ sống sót sau cú va chạm và có cơ hội thoát ra ngoài", ông Goelz giải thích.
Kỹ năng chuyên môn của thành viên phi hành đoàn
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (CWA) Sara Nelson, dù chưa từng phải trải qua sự cố máy bay lật úp khi hạ cánh trước đây, hai tiếp viên của hãng hàng không Delta Air Lines đã được huấn luyện cặn kẽ cho nhiều tình huống khẩn cấp khác nhau bao gồm cả việc sơ tán hành khách trong vòng 90 giây.
"Các tiếp viên hàng không đã làm tròn nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Họ thực sự là những người hùng", bà Nelson ca ngợi.
Cùng chung quan điểm với bà Nelson, PGS McCormick đánh giá, dù công nghệ hiện đại giúp cứu mạng các hành khách, vẫn không thể phủ nhận vai trò của thành viên phi hành đoàn trong quá trình sơ tán hành khách ra khỏi chiếc máy bay gặp nạn.
Ông McCormick bày tỏ hy vọng vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Delta Air Lines sẽ giúp công chúng nhận thức rõ hơn và trân trọng hơn những tiếp viên hàng không làm việc trên máy bay.
Khánh An