Tháng 9-1969, đơn vị của ông được lệnh hành quân sang nước bạn Lào, trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến dịch Cù Kiệt (tiếng Lào nghĩa là cứu vãn danh dự) của đế quốc Mỹ và chư hầu. Mục tiêu của ta là bảo vệ tuyến hành lang chiến lược, giữ vững các tuyến đường trọng yếu, hỗ trợ bộ binh tác chiến, cắt đứt nguồn tiếp viện của địch. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân Lào-Việt đã từng bước đập tan chiến dịch Cù Kiệt của địch, giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta và bạn.
Cựu chiến binh Đặng Mạnh Quỳnh cùng vợ và con gái ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu trên đất bạn Lào qua trang nhật ký.
Tháng 7-1972, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông Quỳnh trở về nước tiếp tục chiến đấu trên địa bàn Quân khu 4. Gần 3 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, ông Quỳnh không thể nào quên kỷ niệm lần ông bị sốt cao, co giật giữa rừng sâu khi cùng đơn vị hành quân qua một bản hẻo lánh ở Xiêng Khoảng. Trong tình thế nguy cấp, một phụ nữ Lào đã bất chấp hiểm nguy, lặn lội xuyên rừng tìm lá thuốc về sắc cho ông uống. Một lần khác, đơn vị ông bị địch phục kích khiến một đồng đội bị thương nặng. Giữa mưa bom bão đạn, một người dân Lào đã dũng cảm cùng ông đưa người bị thương về tuyến sau cứu chữa. Dù được chăm sóc tận tình, nhưng người đồng đội ấy không thể qua khỏi và được dân bản an táng chu đáo. Điều ông day dứt là không thể nhớ thông tin để báo tin cho thân nhân người đồng đội ấy...
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đặng Mạnh Quỳnh được cử đi học tại Trường Phòng không, sau đó về công tác tại Nhà văn hóa Quân khu 4. Đến năm 1996, ông chuyển về Trường Quân sự Quân khu 4 và nghỉ hưu tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông Đặng Mạnh Quỳnh bồi hồi: “Đã hơn 50 năm trôi qua, tôi vẫn chưa có dịp trở lại đất nước Lào anh em. Trong lòng tôi luôn cháy bỏng khát vọng được cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa, tận mắt chứng kiến sự đổi thay của nước bạn, ôn lại kỷ niệm sâu sắc, thiêng liêng giữa quân và dân hai nước Việt-Lào anh em”.
Bài và ảnh: TRÀ MY