Nhớ những ngày đi phép

Nhớ những ngày đi phép
6 giờ trướcBài gốc
Cách đây hơn chục năm, giữa đêm tối, căn nhà cấp 4 của gia đình em Nguyễn Hoài Nhơn (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ bị nước lũ nhấn chìm. May nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Nghĩa Hành (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) nên tất cả đều bình an vô sự. Hình ảnh những người lính trẻ căng mình cứu hộ giữa mênh mông biển nước, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân đã thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Hoài Nhơn viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 2023, góp sức trẻ bảo vệ quê hương, đất nước thân yêu.
Cao to, khỏe mạnh, lại có tài bơi lội, trong trận lũ lịch sử cuối năm 2023 xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), Binh nhất Nguyễn Hoài Nhơn (Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn Trinh sát 32) cùng đồng đội sơ tán hàng chục người dân tại các khu vực trũng thấp, ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn. Trong kỳ nghỉ phép ngắn ngủi tại quê nhà, những câu chuyện cảm động ghi lại từ đỉnh lũ qua lời kể của Nhơn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh niên trong xóm. Biết Nhơn là lính trinh sát, võ nghệ cao cường, các cháu nhỏ nhờ dạy võ để nâng cao sức khỏe, song do thời gian có hạn, anh chỉ kịp dạy cho các cháu những động tác phòng thân cơ bản nhất.
Cán bộ Tiểu đoàn Trinh sát 32 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) trò chuyện, động viên chiến sĩ trước khi về phép.
Trung sĩ Huỳnh Bá Tĩnh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 (Trung đội 6) được nghỉ phép đúng dịp gia đình động thổ xây nhà. Để giảm bớt chi phí nhân công cho bố mẹ, anh xung phong đảm nhận đổ đất, san nền, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu... cùng các anh em thợ xây, thợ hồ. Cách nhà Tĩnh không xa, thi thoảng Trung sĩ Phạm Công Trung, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 và Binh nhất Nguyễn Hoàng Vũ lại rủ nhau đến chung tay, góp sức lao động cùng đồng đội.
Dưới trời nắng nóng, nhìn các anh vác những bao xi măng nặng trịch bước đi rất nhẹ nhàng, thoải mái, người chủ thầu phải thốt lên: “Công nhận bộ đội khỏe thật. Thợ của tôi toàn thanh niên trai tráng đã quen làm việc nặng, thế mà so với các cậu vẫn không là gì hết. Con lớn nhà tôi năm nay cũng đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hy vọng sẽ trúng tuyển”. Trước những lời khen ngợi chân tình, Huỳnh Bá Tĩnh khiêm nhường: “Quân đội là trường học lớn, nơi các thanh niên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Sau một năm quân ngũ, cháu và các đồng đội học hỏi, tích lũy được rất nhiều điều bổ ích. Cô chú cứ yên tâm khi gửi gắm con em mình vào Quân đội”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Trí (trú tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), mẹ của Trung sĩ Huỳnh Bá Tĩnh, cho biết: “Đang xây nhà, bận nhiều việc nhưng ngày nào tôi cũng phải dậy từ lúc 3 giờ sáng ra chợ đầu mối mua hoa cúc, hoa ly về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thương mẹ vất vả, những lúc rảnh rỗi, Tĩnh lại ra cắt và bó hoa giúp. Mấy cô, mấy chị ở hàng hoa ai cũng khen con ngoan hiền, lễ phép, bó hoa đẹp nhất chợ. Thấy con tiến bộ, trưởng thành, vợ chồng tôi mừng lắm”.
Như bao hộ dân khác ở xã Hành Phước (huyện Nghĩa Hành), gia đình Binh nhất Nguyễn Đình Thượng Thượng (Tiểu đội 1, Trung đội 5) gắn bó với nghề trồng hoa vụ Tết từ hàng chục năm nay. Những ngày nghỉ phép, anh dành phần lớn thời gian phụ giúp bố mẹ làm đất, ươm cây, đúc chậu. Bên những chậu hoa bắt đầu bén rễ, Nguyễn Đình Thượng Thượng chia sẻ: “Để có một chậu hoa cúc đại đóa tươi tốt, nhiều bông, nở đều vào đúng dịp Tết Nguyên đán, cần phải trải qua nhiều công đoạn, nếu không nắm chắc quy trình, thành phẩm làm ra sẽ xấu và dễ vỡ. Nhờ được bố truyền nghề, hướng dẫn nên đến nay, tôi đã khá vững tay. Tôi phấn đấu đến khi hết phép sẽ đúc được khoảng 300 chậu xi măng để bố mẹ vào cây bán Tết. Ngày lên đơn vị, tôi sẽ mượn bố mấy bộ khuôn đúc cỡ nhỏ và xin mẹ ít hạt giống hoa lưu ly, thược dược để cùng đồng đội ươm cây, đúc chậu mừng đón xuân về”.
Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Đạt, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 32, trước khi bộ đội nghỉ phép, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ quy định, chế độ, tiêu chuẩn được hưởng, đồng thời hướng dẫn viết bản cam kết thực hiện các quy định cụ thể như phải đi đến nơi, về đến chốn, không uống rượu, bia, không đi xe máy, không tham gia các tệ nạn xã hội... Các đại đội đều có thư gửi hậu phương, thông tin cụ thể kết quả phấn đấu, rèn luyện của từng quân nhân để gia đình yên tâm, phấn khởi. Đều đặn hai ngày một lần, cán bộ trung đội, đại đội liên lạc, nắm tình hình đi phép của các chiến sĩ, ai có khó khăn, vướng mắc gì đều được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình các quân nhân đánh giá rất cao sự tiến bộ, trưởng thành của con em mình trong môi trường quân ngũ.
Sự động viên, khích lệ của hậu phương là điểm tựa, hành trang vững chắc để những người lính trinh sát ra sức phấn đấu, luyện rèn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT HÙNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nho-nhung-ngay-di-phep-800415