Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan. Trong đó, 27 người bị cáo buộc phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chủ tịch Tập đoàn Thuận An - Nguyễn Duy Hưng bị cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu” trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 120 tỷ đồng tại 5 dự án xây dựng. Qua đó, bị can Hưng hưởng lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng.
Bị can Phạm Thái Hà (trái) và Nguyễn Duy Hưng. (Ảnh: Công an cung cấp)
Bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, trúng thầu và thi công các gói thầu của dự án tại các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội và tại Bộ Giao thông vận tải. Quá trình này, Thuận An đã thông đồng, móc ngoặc để phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, dự toán; tham gia góp ý xây dựng hồ sơ mời thầu, cung cấp, tiếp nhận tài liệu, dữ liệu của hồ sơ mời thầu trước khi phát hành.
Các sai phạm trên tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An và liên danh các nhà thầu trúng thầu, thi công các gói thầu tại 5 dự án nêu trên, hưởng lợi bất hợp pháp. Hành vi của Nguyễn Duy Hưng và các đồng phạm, đối tượng liên quan trong vụ án đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng số tiền hơn 120,4 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định vào khoảng giữa năm 2020, do có mối quan hệ quen biết từ trước với ông Phạm Thái Hà (khi đó là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội), Chủ tịch Tập đoàn Thuận An - Nguyễn Duy Hưng đã nhờ Phạm Thái Hà giới thiệu gặp Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội để Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Sau khi biết Hưng có mối quan hệ với Lãnh đạo cấp cao, nên vài hôm sau khi Hưng đến phòng làm việc của Tuấn đề nghị cho Thuận An tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 thì Tuấn đồng ý và nói sẽ chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện trong quá trình đấu thầu, để Thuận An trúng thầu thi công.
Đến đầu tháng 6/2020, Tuấn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Thuận An được tham gia thi công Dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Các bên thống nhất để cho Thuận An tham gia 70%, Công ty Cầu 7 Thăng Long tham gia 30% giá trị Gói thầu số 02 Dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Đến ngày 10/11/2020, Trần Quang Anh (Tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An) đề nghị và được Đỗ Đình Phan (Trưởng phòng Giám sát 2, Ban Quản lý Dự án Hà Nội) chỉ đạo cấp dưới in cho Trần Quang Anh các tiêu chí của Hồ sơ mời thầu và copy file dự toán Gói thầu số 02.
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 tại Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Hưng)
Sau đó, Trần Quang Anh được tạo điều kiện gửi trước Hồ sơ dự thầu của liên danh Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long cho đơn vị tư vấn Hồ sơ mời thầu và chấm thầu (công ty cổ phần CFTD Sáng tạo) để kiểm tra, chấm trước. Hành vi này nhằm mục đích giúp Thuận An bổ sung, chỉnh sửa kịp thời trước khi nộp Hồ sơ dự thầu, đảm bảo cho việc trúng thầu.
Kết quả, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm: Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thái Yên; Công ty CP - Tổng công ty cơ khí xây dựng Thăng Long và Liên danh Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long. Sau khi chấm thầu, ngày 18/12/2020, Ban Quản lý dự án Hà Nội có văn bản thông báo Liên danh Thuận An - Cầu 7 Thăng Long trúng thầu với giá 289,8 tỷ đồng.
Để "cảm ơn", Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo cấp dưới chi tiền cho các cá nhân tại Ban Quản lý dự án Hà Nội. Đồng thời, Công ty Cầu 7 Thăng Long cũng chi tiền cho các lãnh đạo, cá nhân tại Ban Quản lý dự án Hà Nội vì tạo điều kiện cho trúng thầu. Nhà chức trách xác định, Thuận An và Cầu 7 Thăng Long đã chi tổng cộng số tiền "cảm ơn" lên đến hơn 12 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, đến nay Tập đoàn Thuận An đã được tạm ứng, thanh toán 192,559 tỷ đồng trên tổng số 202,694 tỷ đồng (tổng giá trị nghiệm thu là 92%) còn lại Chủ đầu tư giữ lại 10,1 tỷ đồng (3% giá trị bảo hành và 5% giá trị quyết toán). Công ty Cầu 7 Thăng Long đã nhận tiền tạm ứng và thanh toán là 74 tỷ đồng.
Võ Nam/VOV.VN