Nhớ rét Ninh Bình

Nhớ rét Ninh Bình
5 giờ trướcBài gốc
Đa phần là đi tranh thủ, có khoảng 5 năm tôi liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi năm vài ba lần đi họp, bao giờ cũng có một cuộc họp định kỳ cuối năm, sát Tết, hoặc rằm tháng giêng, tôi thường ra sớm vài ngày, hoặc tụt lại vài ngày, về các làng quê Bắc bộ, cứ lang thang thế, gặm nhấm kỷ niệm. Ninh Bình là nơi tôi hay chọn, vừa quê ngoại, vừa gần, lại ám ảnh ký ức...
Về hưu vẫn giữ thói quen ấy, cứ thấy chơm chớm lạnh là nôn nao, là kiếm cớ để đi. Dẫu viêm họng hạt mạn tính, mỗi lần ra là chuẩn bị các loại thuốc, nhưng vẫn rất hăm hở. Mà cái cớ của gã thích tung tăng như tôi thì nhiều lắm.
Năm nay không ra được, và may là, Pleiku, nơi tôi đang sống cũng khá lạnh, có lúc xuống 11 độ, không thua miền Bắc bao nhiêu, có dịp lôi cái áo măng tô dạ bạn tặng, mấy cái khăn len cũng được tặng nữa, kết quả của những lần ra Bắc trước đó, quấn vào người, lên quán cà phê ngồi... nhớ rét. Giữa ngày rét Cao nguyên ngồi nhớ rét Bắc mà vẫn nôn nao quá thể.
Rồi có việc vào Sài Gòn, cô em con dì cũng rời Ninh Bình vào Sài Gòn lập nghiệp khá lâu rồi, vợ giáo viên, chồng thợ may có tiếng, biết tôi đang tung tăng ở hồ Con Rùa nhắn: Trưa anh đến em ăn cơm, em đãi toàn món... Ninh Bình.
Tôi đến, ngoài các món thông thường như: Thịt (chính xác là chân giò) nấu đông, cá trắm ốc 7 kg nướng cách... gang (tức đặt rơm, rồi cá, rồi chảo gang, rồi trấu, đốt suốt đêm), dưa kiệu Sài Gòn, chả lụa Đăk Lắc nhưng người Bắc làm, mắm tép riu, bánh chưng Ninh Bình gửi vào, nó rền, dẻo, thơm, ngọt, và đặc biệt là có một tô cá ám đẫm chất Ninh Bình trong ký ức của tôi. Cá lóc làng Thế Chí Đông, Huế, cách quê nội tôi một làng: Thế Chí Tây, chồng cô em có học trò vùng này gửi vào biếu chứ không phải cá quả Ninh Bình, có miến dong Bắc và rau cần chợ Sài Gòn. Cô em trịnh trọng múc cho tôi một bát cá ám vào cái bát chiết yêu, bảo tôi ăn ngay cho nóng. Ăn xong tôi nêu khuyết điểm là rau cần hơi ít. Và điều thứ 2, quan trọng hơn, thiếu một thứ. Cô em ngạc nhiên, để nấu cho anh ăn em đã biện đủ gia vị Ninh Mỹ đúng truyền thống, bố mẹ chồng cũng phải công nhận (ông bà theo con trai vào ở cùng nhà), mà anh còn bảo thiếu? Tôi thủng thẳng, thiếu... rét. Ăn cái bát cá ám giữa Sài Gòn nó chỉ lên được một nửa của... ám. Nửa còn lại nó thuộc về rét. Phải thật rét, ăn món này mới ngon. Mà rét, giữa Sài Gòn thì lấy đâu ra, kể cả hạ nhiệt độ máy lạnh cho nó đóng băng lại. Cô em thở hắt ra, làm em... hồi hộp. Nhưng anh nói xong thì em cũng nhớ rét, nhớ quê nôn nao...
Lại nhớ những mâm cỗ ngày xưa mỗi lần tôi được mẹ đưa từ Thanh Hóa ra quê ngoại, thường là sau Tết mấy hôm, nhưng không khí Tết vẫn tràn ngập. Cỗ thường tính theo đĩa bát. Tằn tiện thì 4 đĩa 4 bát, tươm tất thì 8 đĩa 8 bát. 4 món không thể thiếu trong mâm cỗ xưa là giò nem ninh (có nơi gọi bung), mọc. Giò thì có giò thủ, giò nạc. Nghèo thì giò thủ, vì nó làm từ tai mũi đầu heo, xịn thì giò nạc vì làm từ thứ quý nhất của con heo là những quả thăn, mổ con lợn ra, đang nóng hổi thế, những quả thăn đang hi hóp thở được thả vào cối đá. Những tay quai cối phải được chọn để giã liên tục, không ngừng nghỉ thì giò mới nhuyễn, mịn và xốp. Nem thì có nơi tính là nem chua, nơi tính nem rán. Cái nem rán (chả giò) tương truyền có xuất xứ từ Sài Gòn, vốn dĩ là mồi nhậu của người nghèo. Thì chỉ có bánh đa quấn miến bằng ngón tay xong rồi rán lên, nhai giòn rau ráu. Khi ra đến Hà Nội rồi lan ra miền Bắc nó được những bà nội trợ đảm đang bổ sung thêm nhân gồm thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, su hào hoặc củ đậu hoặc giá, trứng… và gói to hơn, cho nó ra cái nem bất hủ Việt Nam bây giờ.
Những người đã từng sống ở xứ Bắc sau này vào Nam luôn nao nao nhớ về những ngày cuối rét quê nhà. Mùa đông ẩn hiện trên từng gương mặt người, trong cái dáng co ro buổi tối, cái xuýt xoa buổi sáng và ở những cái áo khoác, áo len đủ màu, đủ kiểu được các thiếu nữ xinh đẹp chọn rất kỹ trước khi khoác lên người. Con người ta lạ thế, quanh năm đầu tắt mặt tối, buông tay ra ngẩng mặt lên, đã thấy cái lạnh hun hút luồn qua nỗi nhớ, nỗi hoài vọng, nỗi nhớ quê, đã thấy ký ức tuổi thơ dâng đầy trong mắt. Thường trực trong mỗi con người là nỗi nhớ, cứ ẩn hiện thấp thoáng, chờ có dịp là quặn thắt bùng lên. Mùa đông là mùa nỗi nhớ có dịp bùng ra mãnh liệt nhất...
Bây giờ ngoài Bắc đã chuẩn bị bước vào rét nàng Bân, ôi cái lạnh cuối cùng như níu kéo mùa rét, níu con người vào vùng hoài niệm. Nó làm những người xa quê nắc nỏm nhớ dẫu ngoài quê không phải ai cũng tán thưởng nó, bởi nó gây phiền toái, kích rích, thậm chí ngày xưa là khá khổ khi mà phương tiện giữ ấm chưa đủ, phong phanh áo mỏng. Thì ngay tôi, hồi nhỏ ấy, con cán bộ, cũng có manh áo tấm quần lành lặn, nhưng quần áo rách là mẹ giặt sạch cất đi chứ không vất hay làm giẻ lau, mùa rét mang ra mặc vào trong, rồi quần áo lành ra ngoài, trông người cứ phụng phịnh như mặc đồ vũ trụ.
Nhớ một cái rét nàng Bân như thế, chiều tôi, các bạn hộ tống tôi ra một cánh đồng hun hút gió. Ở đấy có mấy cái ao làm dịch vụ cho khách câu. Lạnh tới mức chả cá nào đớp mồi, chúng tôi đưa tiền cho chị chủ ao mua giúp con cá lóc, rồi chị đốt cho cái lò than tổ ong. Trong cái lều trông ao trống tứ phía, chúng tôi ngồi gỡ cá uống rượu và nghe tiếng răng va lập cập vào nhau giữa những luồng gió hun hút. Mà rồi về thổn thức mãi...
Rồi tôi ghi nhật ký: “Và nhớ, căm căm và hun hút, ngọt và sắc, lạnh đến héo gan cắt ruột nhưng lại rất muốn khăn ấm, áo lạnh lênh khênh ngược gió, để mà run, mà cảm, mà thương cái cây xoan già đang mốc meo trong một mùa đông khốc liệt. Thực ra trông xoan già xù xì thế nhưng nó đang ấp ủ những mầm, những măng, những non tơ để chuẩn bị bung ra ngỡ ngàng cái màu tím rưng rưng xa xót đến miên man, đến ngây dại để cho con người khắc khoải trong những hồi tưởng dịu ngọt của những ngày cuối đông mà tràn đầy gió. Ở đó, quê ngoại đau đáu hoài cảm với rặng tre, giếng nước, cây đa đầu làng, và những rặng hoa cải vàng run rẩy chạy dọc triền đê... Ở đó, những mẻ ngô rang, bỏng rang, những củ khoai, củ sắn vùi trong tro, những cái miệng nhọ nhem, những bàn tay rụt rè run bắn khi bốc ngô cho nhau vô tình chạm vào nhau mà rồi cứ bâng khuâng mãi khiến những buổi chiều đông tái ngắt huy hoàng như cổ tích thổn thức đi theo ta đến hết cuộc đời”...
Ninh Bình vào thơ tôi nó như thế này: “Ninh Bình tuổi thơ tôi nhiều đêm hang Luồn tránh bom/Ngửi mùi mưa Thiên Tôn dấm dứt/Ninh Bình cô hàng xóm sang mượn gương/Tóc tết bím mắt như là hờ hững/Chết sững cái nhìn gã trai dậy thì”. Cái cô gái sang mượn gương ấy giờ chắc chắn đã già lắm rồi, chỉ mùa rét vẫn còn tươi mãi, cả trong hiện tại và ký ức...
Văn Công Hùng
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/nho-ret-ninh-binh-617754.htm