Bóng đá luôn là trò chơi yêu thích của trẻ em qua nhiều thế hệ. Ảnh: Internet
Bọn nhóc chúng tôi đá bóng ở bất kỳ chỗ nào có thể đá được. Khi thì góc vườn hoa, lúc lại đá ngay trên vỉa hè. Thời đó xe cộ còn ít, người đi bộ ngoài phố cũng ít, vậy nên đá bóng trên vỉa hè cũng là một cách giải tỏa “cơn thèm” đá bóng.
Chúng tôi chia thành hai đội. Một đội cởi trần và một đội mặc áo để phân biệt. Chúng tôi không đá theo hiệp, ai mệt thì ra ngoài nghỉ, hết mệt lại vào đá tiếp.
Một hôm tôi đi học về, ngang qua cửa nhà anh Ninh, thấy anh mặc quần đùi có ba sọc trắng ở hai bên, chân đi giày ba ta xanh. Tôi đứng ngây ra, dán mắt đầy ngưỡng mộ vào chiếc áo may ô Đông Xuân cộc tay màu trắng, in hình một cầu thủ đang tung chân móc bóng ở phía trước, còn sau lưng là số 11 đỏ thẫm, nhìn vô cùng chuyên nghiệp. Tôi ao ước giá mình cũng có một chiếc áo cầu thủ như vậy.
Anh Ninh vẫy tay gọi tôi lại gần và bảo: “Mày thấy có đẹp không?”. “Dạ đẹp lắm ạ. Làm thế nào mà anh có được chiếc áo in hình cầu thủ, in số đẹp như thế này ạ?”. Anh Ninh cười rõ to: “Dễ ợt” rồi lại ưỡn người, quay trước quay sau. Cuối cùng, anh thầm thì: “Mày cứ đến đấy tìm cách xem trộm người ta làm thế nào rồi về làm theo”.
Chủ nhật ấy, theo chỉ dẫn của anh Ninh, tôi “quyết tâm” dậy sớm. Đi bộ từ nhà đến vườn hoa Hàng Đậu rồi nhảy lên xe điện tuyến Quán Thánh - Bờ Hồ. Tới cuối phố Hàng Đào, tôi xuống và chậm rãi đi trên vỉa hè bên số lẻ. Đập vào mắt tôi là mấy cửa hàng nhỏ in áo bóng đá, chỉ đủ kê một chiếc bàn gỗ. Sau lưng người thợ đang cắm cúi làm việc là một dây phơi treo la liệt những chiếc áo may ô đã được in số.
Tôi lân la lại gần một cửa hàng. Với kinh nghiệm có sẵn, tôi biết trẻ con rất dễ bị mắng hoặc bị đuổi đi. Nhưng vẻ mặt của người thợ này khá hiền lành nên tôi cứ ghé ngồi trên bậu cửa. Người quay ra ngoài phố nhưng mặt ngoái vào trong theo dõi người thợ làm việc.
Tôi chủ định phải xem cho nhanh rồi rời đi trước khi bị đuổi. Nhưng người thợ này không tỏ ra khó chịu khi tôi cứ ngồi lỳ ở đó. Bác vừa quay lưng treo chiếc áo lên dây phơi vừa nhìn tôi và hỏi: “Mày xem chơi hay học đấy?”. Tôi trả lời: “Bác cho cháu xem bác in áo với nhé”. Bác thợ cười khì khì: “Muốn học in áo thì nói luôn cho rồi”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi quay hẳn người vào trong nhà: “Vâng. Cháu muốn học cách in số lên áo ạ”. Bác thợ lại cười rồi tiếp tục công việc của mình.
Lần này, bác làm với động tác chậm hơn cho tôi nhìn được kỹ. Đầu tiên, bác trải chiếc áo may ô xuống bàn sau khi đã lồng vào trong áo một tấm bìa dày có khổ vừa khít với chiếc áo rồi thong thả vuốt cho chiếc may ô phẳng phiu. Tiếp đó, bác với tay lấy mẫu. Thì ra trên bức tường sát với chiếc bàn đã mắc sẵn những khuôn mẫu làm bằng mi ca mỏng, được cắt những con số từ 1 tới 11 một cách đều nhau. Trên bức tường còn treo những mẫu hình cầu thủ cắt sẵn như cầu thủ tung người móc bóng, dắt bóng hay tranh bóng...
Tiếp tục công việc, bác thợ đặt tấm mi ca cắt số sẵn lên chiếc áo may ô, điều chỉnh để khuôn vào vị trí chính giữa áo. Rất cẩn thận, bấy giờ bác mới cầm cây bút lông chấm vào bát màu sơn và quệt vào thành bát cho sơn chỉ còn vừa đủ rồi nhẹ nhàng phết vào chỗ đã cắt ở khuôn. Bác nói nhỏ: “Quệt nhẹ nhàng thôi. Nhớ là giữ cho khuôn không xê dịch và không được hở một ly nào thì nét số in sẽ không bị nhòe, không bị dính vào số khác”. Rồi bác dứt khoát nhấc mẫu in lên. Một con số ngay ngắn hiện ra. Nhẹ nhàng nhấc chiếc áo vừa in lên, cẩn thận lồng vào bên trong áo một cái khung nhỏ và thoáng, bác bảo: “Để cho hai mặt áo không bị dính vào nhau”, rồi mới treo lên dây phơi.
Vèo một cái đã sắp tới trưa. Tôi cũng học xong cách phết màu sơn nhưng chưa biết cách làm khuôn mẫu. Biết vậy nên bác thợ bảo: “Cắt đục số cũng dễ thôi. Đơn giản là làm ngược lại”. Thì ra cách làm ngược lại như bác nói là đặt những con số làm bằng bìa cứng lên tấm mi ca nguyện vẹn, lấy bút chì rê đều theo con số đó rồi nhẹ nhàng dùng dao cạo râu để cắt theo vạch vẽ. Thế là được một khuôn mẫu số để in áo.
Mùa hè năm đó, đội bóng trẻ con phố tôi trở nên “chuyên nghiệp” hẳn, đứa nào cũng mặc áo số ra sân. Chúng tôi cũng mất một hồi cãi nhau chí chóe vì tranh nhau số 9 hay số 11 cho mình. Nhưng đó thực sự là những ngày đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ của lũ chúng tôi.
Nguyễn Trọng Văn