Hiện ông Lê Hồng Phương (50 tuổi, ngụ xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đang sở hữu trang trại cá bông lau trên 2 ha, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Trang trại nuôi cá của ông Phương có quy mô lớn và được đầu tư bài bản.
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp với loại cá đặc sản, ông Phương kể: “Năm 2014, quá trình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, nhất là khoảng năm 2015, cứ 10 ao nuôi tôm thì đến 8 ao bị dịch bệnh. Đến năm 2017, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy nguồn lợi kinh tế nuôi cá bông lau, từ đó tôi nảy ra ý tưởng thuần dưỡng và nuôi cá bông lau thương phẩm."
Bước đầu, ông Phương tận dụng 1.200m2 ao nuôi tôm lót bạt cải tạo và thả nuôi thử vài trăm con cá bông lau giống mua từ các ghe, tàu đánh bắt ngoài sông lớn.
Sau 20 tháng nuôi, cá bông lau phát triển tốt, giúp ông thu về lợi nhuận khá cao. Thừa thắng xông lên, ông Phương đã mở rộng ra diện tích hơn 2 ha. Không chỉ bán cá thịt, ông còn bán giống cho nhiều người khác.
Theo ông Phương, để đảm bảo nguồn lợi kinh tế trong năm, ông áp dụng phương thức thả nuôi xoay vòng với 60 ngàn con cá giống bông lau, tổng sản lượng thu hoạch đạt 45 tấn. Trong đó, trong đó, ông đặc biệt dành 1 ao nuôi khoảng 1.000m2 để thuần dưỡng cá bông lau giống, sau 7 ngày thả ra ao đất.
“Đến nay chưa có cơ sở nào sản xuất được cá bột, các trang trại đều phải bắt cá nhỏ ngoài tự nhiên về thuần dưỡng rồi nuôi thành cá thương phẩm. Vì thế, Tôi thả tuần tự chứ không thả cá đồng loạt ở các ao, từ đó sẽ có cá thu hoạch quanh năm." - chủ trại cá cho biết.
Cá bông lau là loài có thịt thơm ngon nhất trong họ cá tra, cá ba sa, được người miền Tây coi là đặc sản.
Ông Phương chia sẻ, cách nuôi cá bông lau không khác nhiều so với cá ba sa, điểm khác rõ ràng nhất là cá bông lau nuôi càng lâu, cá càng lớn càng có giá. Cá bông lau vẫn còn nhiều tập tính hoang dã, tính cạnh tranh cao, vì vậy mật độ nuôi cũng thưa hơn nhiều so với những loài cá khác.
Hiện cá bông lau có giá giao động 90.000-150.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Cá nuôi khoảng 20 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 4kg/con. Mỗi năm ông Phương thu hoạch khoảng 40 tấn cá, thu về 5-6 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận 30-50%.
Từ mô hình nuôi cá bông lau của ông Phương, nhiều hộ dân trong vùng đã học hỏi, làm theo. Năm 2024, Hội Nông dân xã Bình Thắng đã hành lập Tổ hợp tác nuôi cá bông lau với diện tích ao gần 100ha. Địa phương nhận định cá bông lau sẽ là hướng đi mới, bền vững để các nông hộ làm giàu.
Cá bông lau sinh trưởng chủ yếu theo dòng sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á. Cá có thể sinh sống ở môi trường nước lợ và cả nước ngọt nhờ vào tập tính di trú rất độc đáo.
Tại Việt Nam, cá bông lau là sản vật đặc biệt của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là loài cá kinh tế quan trọng ở khu vực sông Mê Kông nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, có kích cỡ lớn có thể đạt 15 kg/con, chất lượng thịt thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng hiện nay nguồn lợi cá bông lau khai thác tự nhiên cạn kiệt, nên nguồn cung ngày càng khan hiếm. Vì vậy, đây là đối tượng được đánh giá là có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản.
Ngọc Phạm