Nhọc nhằn nghề dệt chiếu truyền thống

Nhọc nhằn nghề dệt chiếu truyền thống
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều hộ dân ở xã Long Cang, huyện Cần Đước chuyển sang dệt chiếu bằng máy, có thu nhập khá
Chiếu lác với đặc tính mềm, rút mồ hôi, dễ gấp gọn nên phù hợp với thời tiết nóng ẩm vùng đất Nam Bộ. Ở Long An hiện nay, nghề dệt chiếu còn rải rác ở các xã: Long Cang, Long Định (huyện Cần Đước), Tân Bình (huyện Tân Trụ), Nhựt Chánh (huyện Bến Lức).
Hiện tại, nhiều hộ chuyển sang dệt máy thay vì thủ công giúp năng suất tốt, lợi nhuận cao, kinh tế ổn.
Bà Phan Thị Bảy (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) hơn 10 tuổi đã biết dệt chiếu. Hiện tại, bà vẫn duy trì nghề này để có "đồng ra đồng vào" phụ con tiền mắm muối. Bà xem nghề là niềm vui, là truyền thống gia đình. Lúc ông Bảy còn sống thì bà căng khung chiếu dệt 2 người. Nay ông mất rồi, bà cũng tập dệt một mình, “tuy mệt nhưng dần cũng quen, nghề mà, đâu bỏ được” - bà Bảy nói.
Để có lác dệt chiếu là cả một quá trình nhọc nhằn, vất vả. Những đám lác thường được trồng ven sông, mỗi năm thu hoạch 2 lần vào tháng 7 và tháng Giêng (Âm lịch).
Ngày trước, người ta dùng cây phảng và cù nèo để cắt lác. Việc này đòi hỏi sức đàn ông vì nặng nhọc, hơn nữa phải có kỹ thuật và cẩn thận.
Sau đó, lác được giũ ra để phân loại theo chiều dài rồi bó lại thành neo, bỏ xuống rạch, kết thành bè, người dân tận dụng con nước lớn đưa lên đồng để chẻ và phơi.
Cũng có trường hợp chẻ luôn tại đám, họ gom bổi lác (lác không dùng được) thành đống rồi ngồi trên đó để không sình lầy.
Lác thường được chẻ bằng máy. Máy chẻ lác cấu tạo tương tự bánh xe nước mía nhưng có lưỡi dao chính giữa. Hai người ngồi đối diện nhau, một người đút lác vô (gọi là “cho ăn”), một người rút. Việc này cần sự phối hợp đều đặn nếu không rất nguy hiểm. Lác sau khi chẻ được phơi trên chỗ đất bằng, khô ráo. Người dân xé tàu lá dừa làm đôi rồi gác đầu lác lên đó cho dễ gom.
Theo bà Bảy, tháng Giêng chỉ cần 2 nắng là lác bung phau nhưng tháng 7 thì cực khổ không kể đâu cho hết. Lác gặp mưa sẽ bị đỏ, phải bỏ vì đôi chiếu dệt lên không đẹp, giá rất thấp. Bởi vậy, chuyện cứu lác mùa mưa cũng vất vả như diêm dân cứu muối.
Người trên đồng hễ thấy chuyển mưa là “truyền tin” bằng miệng để người dưới biền gom lác, bởi họ bị cây cối cản tầm nhìn. Tháng 7 phơi lác gặp mưa, đang làm gì cũng phải bỏ mà chạy đi cứu lác.
Lác khô đem về được vựa trong bồ. Đó là tài sản, niềm tin, hy vọng của họ. Ngày trước, bồ lác, khung chiếu trở thành “tài sản thế chấp” của nhiều người nếu có lỡ túng tiền đi mượn nợ. Thường thì chủ vựa cho mượn tiền trước rồi trừ vô tiền chiếu.
Bà Phan Thị Bảy (ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước) dệt chiếu một mình, tuy nhọc nhằn nhưng cũng đủ tiền chi tiêu hàng ngày
Một khung chiếu có chiều dài hơn 4m, bề rộng còn tùy thuộc vào khách đặt, nói theo người trong nghề là 9 tấc, thước hai, thước tư, thước sáu,...
Muốn dệt nên đôi chiếu phải có sợi trân, dạo, cây kim chuồi và dĩ nhiên không thể thiếu lác. Sợi trân làm bằng ruột cây bố, người thợ xé nhỏ rồi dùng máy chắp lại thành sợi dài, gọi là chắp trân.
Nhược điểm loại này là khi dệt dễ đứt. Hiện tại, người dân dùng nhợ câu cá để khắc phục tình trạng trên. Dạo là vật dụng để đan sợi lác sau khi được cây kim chuồi đưa vào.
Kim chuồi làm bằng thân cây cau, giờ khó tìm nên bà Bảy rất quý. Một người chuồi, một người dệt, bẻ bìa. Sau khi dệt xong, người thợ dùng lưỡi liềm xén bìa rồi gấp gọn để căng khung mới.
Một đôi chiếu gồm 2 tấm, thường dài 1m9 để vừa khổ giường, đi văng. Chiếu bán đắt nhất vào dịp tết, nhà nào cũng sắm vài đôi. Bà Bảy kể, hồi trước gần tết là người dân nhuộm lác phơi nắng để dệt chiếu màu, cả xóm đi đâu cũng thấy rực rỡ.
Hiện nay, bà Bảy không dệt loại chiếu dùng lác chẻ mà chuyển sang dệt lác nguyên cọng để bán cho bệnh viện. Mỗi ngày, bà dệt khoảng 3-5 đôi, cũng dư tiền chợ. Những năm chiếu rộ, người dân sống khỏe với nghề, bồ lác “ngon” hơn bồ lúa.
Bà Phượng nhà gần đó có 1 công (1.000m2) lác nuôi được cả nhà, các con học hành tới nơi tới chốn. Bà Bảy nói: “Giờ tuy bấp bênh hơn nhưng chừng nào hết cầm cái dạo nổi tui mới nghỉ”.
Nghề dệt chiếu lác cũng như nhiều nghề thủ công khác trong tỉnh, đang dần mai một. Người dân buồn nhưng họ hiểu đó là quy luật tất yếu, khi thị trường có nhiều sản phẩm thay thế.
Nhiều người đã cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, có chiến lược phát triển nên làm giàu với nghề.
Điều quý giá nhất ở họ là sự mến yêu văn hóa quê hương bởi họ luôn nhớ rằng, nhờ những đôi chiếu kia mà mình nên hình, nên vóc./.
Huỳnh Thông
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/nhoc-nhan-nghe-det-chieu-truyen-thong-a187429.html